Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, Tòa cấp cao tại Hà Nội đã chi trả hơn 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai cho ông Chấn. Tuy nhiên, gia đình ông Chấn thông tin, họ chưa nhận được tiền cũng như thông báo về kế hoạch chi trả bồi thường. Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, Bộ Tài chính báo cáo đã cấp tiền bồi thường và Tòa cấp cao tại Hà Nội đã chi trả tiền cho ông Chấn số tiền hơn 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra lại xem còn vướng mắc ở khâu nào; tại sao số tiền này vẫn chưa đến tay ông Chấn.
Theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, năm 2015 có gần 100 vụ việc bồi thường được thụ lý. Trong số này, hơn 40 vụ đã được giải quyết. Tổng số tiền Nhà nước chi trả trong các quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật hơn 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 21 vụ kiện dân sự về bồi thường nhà nước do người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan có trách nhiệm. Trong số này, ngành tòa án đã giải quyết xong 14 vụ việc với số tiền bồi thường hơn 26 tỷ đồng. Về việc chậm giải quyết các vụ bồi thường, ông Nguyễn Văn Bốn cho hay, nguyên nhân cơ bản do những bất cập trong quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Quy định của Luật hiện hành theo mô hình phân tán, từ cấp xã cho đến T.Ư đều là cơ quan giải quyết bồi thường. Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, một bộ phận công chức của cơ quan, đơn vị về bồi thường nhà nước còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác này chủ yếu kiêm nhiệm. Trong khi, số vụ việc liên quan đến bồi thường nhà nước trong năm 2015 chủ yếu là những vụ việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. Trong một số trường hợp, người bị thiệt hại đưa ra yêu cầu bồi thường rất lớn, gây khó khăn khi giải quyết vụ việc. Về việc tại sao ông Lê Đình Vinh (Giám đốc một công ty luật) trúng tuyển chức vụ Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi do Bộ Tư pháp tổ chức nhưng đến nay chưa được bổ nhiệm, trong khi hai người cùng thi khác đã có quyết định? Ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, quá trình xây dựng đề án thi tuyển lãnh đạo cấp vụ Bộ Tư pháp không nhận được bất kỳ khiếu nại hay tố cáo nào. Hồ sơ, quy chế thi tuyển đều được công khai trên mạng. Sau đó, có một lá đơn kiến nghị và khiếu nại gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xem xét sự việc. Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã làm việc trực tiếp với ĐH Luật Hà Nội, sau đó tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan để xem xét sự việc này. “Lãnh đạo Đại học Luật khẳng định, đơn không có ai ký và là đơn nặc danh, không đại diện cho tập thể nhà trường và không mang tính xây dựng. Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Dũng chia sẻ.
Quang cảnh cuộc họp báo của Bộ Tư pháp. |