Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

7 dự án đường vành đai định hình giao thông Hà Nội

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 7 tuyến đường Vành đai số: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Nhận diện
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường Vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

Tuyến Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi); là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Trong những năm qua TP đã đầu tư xây dựng Vành đai 1 từ Đê Nguyễn Khoái - Hoàng Cầu; đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến.
 Đường Vành đai 3. Ảnh: Phạm Hùng
Tuyến Vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - cầu Đông Trù - Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - Nguyễn Văn Linh - Đàm Quang Trung - và trở lại cầu Vĩnh Tuy. Vành đai 2 có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện giao thông tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm. Hiện, Vành đai 2 đang được xây dựng đoạn tuyến cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; và tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy để khép kín.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3. đi qua khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - Vũ Trọng Phụng - Đầm Hồng - Khương Đình - Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - Đền Lừ - Lĩnh Nam. Hiện dự án đang gặp không ít khó khăn về giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ đoạn tuyến Đầm Hồng - QL1 nhiều năm.

Đường Vành đai 3 hiện đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì - Linh Đàm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long, trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội. Bên cạnh đó, Vành đai 3 cũng là tuyến phải gánh chịu lưu lượng giao thông vãng lai từ các tỉnh thành lân cận lớn nhất, gây nhiều áp lực về ùn tắc nhất cho Thủ đô.

Tuyến Vành đai 3,5 là tuyến bổ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4 của Hà Nội, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) - Phúc La (Hà Đông) - đi qua các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm - QL32 - cầu Thượng Cát.

Vành đai 4 là trục đường liên vùng có tổng chiều dài 98km đi qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, TP; điểm đầu đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc huyện Sóc Sơn), điểm cuối tuyến đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Hạ Long (thuộc tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội dài 56,5km nằm trên địa bàn 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.

Đường Vành đai 5 có tổng chiều dài 331,5km, được quy hoạch đi qua địa giới 8 tỉnh, thành: Hà Nội; Hòa Bình; Hà Nam; Thái Bình; Hải Dương; Bắc Giang; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc. Đoạn qua Thủ đô dài khoảng 48km, nằm trên địa bàn: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Lộ trình từ cầu Vĩnh Thịnh - đường Hồ Chí Minh - cao tốc Hòa Lạc - huyện Thạch Thất - đi về phía Nam sang địa phận tỉnh Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Mục tiêu cấp bách

Bảy tuyến đường Vành đai nêu trên được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội, cấp thiết phải được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ trong giai đoạn trước mắt.

Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cũng cho rằng, TP nên tập trung đầu tư cho Vành đai 4 và 5 vì tính chất liên kết vùng của nó. Khi hoàn thiện, hai tuyến này sẽ giảm tải đáng kể các phương tiện vãng lai quá cảnh Hà Nội, đồng thời tạo nên các đầu mối vận tải, logistic lớn cho cả Vùng Thủ đô và khu vực Bắc bộ. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để đẩy các bến xe lớn như: Giáp Bát, Mỹ Đình ra khỏi nội đô; đồng thời hình thành các bến xe tải lớn cần phải hoàn thiện Vành đai 4 và 5 trước để tạo tiền đề giao thông cho thông thương vận tải.

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất đầu tư một loạt dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 3 đoạn tuyến Vành đai 2: từ Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ (dài 720m); đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng (dài 580m); và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng (dài 1.890m). Cùng 2 đoạn tuyến Vành đai 3: từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8km); và từ trục Nhật Tân - Nội Bài Quang Minh (dài 5km). Vành đai 3,5 được đề xuất đầu tư 2 đoạn: từ cầu Thượng Cát - QL32 (dài 3,8km); và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 10,8km).

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, đây đều là những dự án quan trọng, khi hoàn thiện sẽ cho thấy ngay hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, tăng cường khả năng thông thương, liên kết trong nội bộ Thủ đô cũng như với các địa phương lân cận. Hiện trong các tuyến đường Vành đai mới chỉ có Vành đai 3 là được đầu tư bài bản cả đường trên cao lẫn dưới thấp, có năng lực lưu thông thuộc loại lớn nhất của Hà Nội, bởi vậy áp lực giao thông dồn lên tuyến này rất lớn. Theo thống kê, hiện mỗi ngày Vành đai 3 đang phải tiếp nhận trên 122.000 lượt phương tiện, cao gấp 8 lần thiết kế. Muốn giải tỏa áp lực cho Vành đai 3 rất cần phải đầu tư đồng bộ Vành đai 2; 2,5; 3,5; 4, đặc biệt là các đoạn tuyến có tính chất bổ trợ cho Vành đai 3 trong khu vực đô thị trung tâm.

Bên cạnh đó, gần đây một số ý kiến cho rằng việc khép kín Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục cần được xem xét lại. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Xu thế mới của các đô thị hiện đại là không đưa các tuyến Vành đai vào sâu vùng lõi tập trung đông dân cư, bởi chi phí đầu tư rất đắt đỏ và khó tổ chức giao thông. Như vậy có cần thiết đầu tư ngay đoạn tuyến còn lại của Vành đai 1 hay không?”.

"Các tuyến đường Vành đai dù là nội bộ hay liên vùng đều có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tích cực, quyết định giải quyết vấn nạn UTGT của Hà Nội. Đặc biệt, các Vành đai 4 và 5 hiện cần thiết phải đầu tư, xây dựng hơn bao giờ hết nhằm phát huy tối đa khả năng liên kết của Hà Nội với Vùng Thủ đô và cả nước." - Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành