Thông tin này được bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đồng thời là đại diện Mạng lưới phòng, chống bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) cho biết chiều 4/4.
Theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam cũng chỉ ra 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường THPT của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, công tác thực thi và giám sát thực hiện kém hiệu quả đang là rào cản để Việt Nam tiến xa hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em. Vì thế trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đại diện cho 18 tổ chức và cá nhân quan tâm đến vấn đề phụ nữ và trẻ em, kiến nghị 5 nội dung:
(1) Thúc đẩy các thảo luận với Bộ GD&ĐT về việc cần biên soạn chương trình giáo dục bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc tiểu học tới THPT với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổ. Việc này nhằm giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình.
(2) Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
(3) Các cơ quan hành pháp, tư pháp từ cấp cơ sở cần đặt người bị hại làm trung tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương.
(4) Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ Luật Bình đẳng giới của các cơ quan truyền thông để đảm bảo các sản phẩm truyền thông không duy trì khuôn mẫu và định kiến giới. Báo chí cần giữ vai trò tiên phong trong phòng ngừa, cảnh báo vi phạm luật từ các vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
(5) Xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng trong Bộ Luật Lao động trong kỳ Quốc hội mới như quy định rõ về hành vi, tội danh.
Ngoài ra, còn có 2 nội dung quan trọng rất mong được bà Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu lưu tâm khi thông qua trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi. Thứ nhất, đảm bảo trẻ em từ bậc mẫu giáo tới THPT được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi, để các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống bị quấy rối hay xâm hại. Thứ hai, tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 để phù hợp với tiêu chí về trẻ em trong Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em và để trẻ em nhận được nhiều cơ hội giáo dục và bảo vệ.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
|
5 năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. |