Thành phố Bắc Kinh cùng các khu vực lân cận là nơi ở của hơn 100 triệu dân, chiếm 10% GDP Trung Quốc. Do đó, Theo đại diện ADB, tình trạng ô nhiễm không khí lên mức báo động đỏ tại Bắc Kinh vừa qua sẽ “làm nguy hại tới sức khỏe người dân và tăng trưởng bền vững”.
Cụ thể, khoản vay sẽ được tập trung đầu tư vào cắt giảm sử dụng than đá, cũng như các vấn đề ô nhiễm khác. Đây cũng là một trong những thành quả từ Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp quốc (COP21) đang diễn ra tại Paris, Pháp.
Đại diện ADB cho biết khoản vay dự kiến sẽ được đồng tài trợ bởi Ngân hàng phát triển KfW của Đức với mức đóng góp 164 triệu USD.
Động thái này được đưa ra sau khi Bắc Kinh lần đầu tiên nâng báo động ô nhiễm không khí lên mức cao nhất vào hồi đầu tuần và mới gỡ bỏ trưa hôm qua (10/12). Theo đó, giới chức yêu cầu đóng cửa các trường học tại TP, đồng thời hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, giới hạn lưu lượng ô tô và ngưng hoạt động một số nhà máy.
Vào thời điểm mức cảnh báo đỏ được đưa ra, cơ quan kiểm soát ô nhiễm không khí của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã đo lượng các hạt siêu nhỏ PM 2.5 ở mức 291 microgram/m3. Trong khi đó, một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tiết lộ, 25 microgram/m3 các hạt PM 2.5 là mức độ an toàn không khí tối đa. Có thể thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô Trung Quốc đã có lúc gấp hơn 11 lần mức cho phép.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là bởi Trung Quốc phụ thuộc quá mức vào các nguồn nguyên liệu gây ô nhiễm như than đá (chiếm 60% nguồn năng lượng), bất chấp lượng đầu tư lớn đổ vào phát triển các nguồn nhiên liệu tái tạo được.