Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi đã mở rộng đều đặn trong quý II năm 2019 bất chấp những rủi ro sụt giảm do tình trạng xung đột thương mại vẫn tiếp tục, suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, theo nhận định trong ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Á mới nổi vẫn ổn định, song có những rủi ro tiềm tàng đáng kể. Sự ổn định tài chính trong khu vực có thể bị xói mòn nếu các nhà đầu tư toàn cầu thay đổi quan điểm về những thị trường mới nổi. Các chính phủ trong khu vực sẽ cần nỗ lực để tiếp tục làm sâu sắc thêm các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, để chúng có thể đóng vai trò là nguồn vốn trong nước đáng tin cậy.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada. |
Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Hong Kong, Trung Quốc; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.
Bất chấp những rủi ro, đầu tư nước ngoài tại các thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi vẫn được duy trì ổn định trong quý II. Tỉ lệ nắm giữ trái phiếu bằng đồng nội tệ của khối ngoại gia tăng tại Trung Quốc với kỳ vọng về những kích thích kinh tế bổ sung từ chính phủ, và ở Indonesia trong bối cảnh xếp hạng tín dụng được nâng lên. Tỷ lệ này sụt giảm tại Hàn Quốc, Malaysia và Philippines do rất nhiều yếu tố trong nước.
Tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6, cao hơn 3,5% so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2019 và nhiều hơn 14,2% so với cuối tháng 6 năm 2018, tính theo giá trị của đồng USD. Lượng trái phiếu phát hành tại khu vực Đông Á mới nổi trong quý II là 1,6 nghìn tỷ USD, cao hơn 12,2% so với quý I nhờ việc phát hành mạnh trái phiếu chính phủ và sự phục hồi trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tính tới cuối tháng 6, đã có 9,4 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đang lưu hành, cao hơn 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp là 5,8 nghìn tỷ USD, cao hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 6 năm 2018.
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong quý II năm 2019 tăng 2,6% so với quý trước xét theo giá trị đồng nội tệ sau khi đã tăng 0,7% trong quý I, lên 52,9 tỷ USD. Mức tăng trưởng khiêm tốn này chủ yếu là nhờ mức tăng 3,2% của thị trường trái phiếu chính phủ - lên tới 48 tỷ USD - do phát hành trái phiếu kho bạc và tín phiếu ngân hàng nhà nước. Thêm vào đó, sự gia tăng của thị trường trái phiếu chính phủ đã bù đắp mức sụt giảm 3,4% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý II năm 2019, xuống còn 5 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất của Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của khu vực này. Ở Trung Quốc, lượng trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đã tăng 5,4% so với quý trước; đây là mức tăng nhanh nhất so với các loại trái phiếu khác tại Trung Quốc, sau khi có chỉ thị cho các chính quyền địa phương phải đẩy nhanh việc phát hành và sử dụng các trái phiếu đặc biệt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển khác. Tính tới cuối tháng 6, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 84,6%, so với mức 78,8% vào cùng kỳ năm trước.
Báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á bao gồm ba khung thảo luận tập trung vào tác động của sự bất ổn trong chính sách tiền tệ của Mỹ đối với đồng tiền của các thị trường mới nổi; tầm quan trọng của các thị trường vốn trong nước với vai trò nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp tại những thị trường mới nổi; và những thách thức mà các thị trường tài chính đang phải đối mặt trong việc sử dụng các mức lãi suất tham chiếu khác khi họ dần từ bỏ lãi suất liên ngân hàng London– hay còn gọi là LIBOR – vốn được sử dụng rộng rãi.