Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

AEM Retreat 19: Kích thích hợp tác thương mại và đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 6 - 9/3/2013, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị liên quan (AEM Retreat) sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Trước thềm Hội nghị, phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.

 AEM Retreat 19: Kích thích hợp tác thương mại và đầu tư - Ảnh 1
AEM Retreat là cơ hội để doanh nghiệp ASEAN trực tiếp truyền đạt quan điểm, mối quan tâm và mong muốn tới các nhà lãnh đạo kinh tế, vậy hội nghị này sẽ đưa đưa ra thảo luận những vấn đề gì, thưa ông?

- AEM Retreat 19 sẽ có sự tham dự của 10 Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Cao ủy Thương mại EU cùng 600 doanh nghiệp quốc tế… Các Bộ trưởng sẽ thảo luận, trao đổi các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực, đề ra định hướng hội nhập kinh tế ASEAN trong năm 2013, hướng đến mục tiêu thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Các nội dung bàn thảo cũng chú trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh trong một số lĩnh vực thương mại và đầu tư nhất là kinh tế nông nghiệp, công nghiệp ô tô, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng...Ngoài ra còn có Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN - EU (AEBS) lần thứ 3 với mục tiêu ký Nghị định thư sửa đổi một số hiệp định kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa và Nghị định thư về quy trình sửa chữa hoặc thay đổi các cam kết bảo lưu; Thành lập Diễn đàn đối thoại công - tư giữa các doanh nghiệp ASEAN - EU.

Thưa Thứ trưởng, việc thành lập AEC vào năm 2015 sẽ mở ra cơ hội gì cho kinh tế Việt Nam?

- Việc thành lập AEC vào năm 2015 sẽ biến ASEAN trở thành thị trường chung giàu tiềm năng với dân số 600 triệu người, GDP 2.178 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2.389 tỷ USD. Đây sẽ là cơ hội cho việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại thị trường này cũng như thị trường thế giới, đặc biệt là EU và Mỹ bằng việc giảm thuế xuất giữa các nước trong AEC. Chẳng hạn từ 1/1/2010 đã có 99,65% dòng thuế của các nước ASEAN có thuế suất 0% và 98,88% số dòng thuế của Việt Nam và 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia có thuế suất từ 0 - 5%...

Việt Nam chúng ta đã tham gia như thế nào cho sự ra đời của AEC vào năm 2015?

- Theo tổng hợp đánh giá của Ban Thư ký ASEAN, các nước ASEAN đã thực hiện được khoảng 74,5% các mục tiêu đề ra trong lộ trình này. Để có được kết quả đó Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, như về thương mại hàng hóa đã thực hiện tất cả các cam kết của ASEAN. Về Hiệp định khung về dịch vụ đã hoàn thành gói thứ 8 về dịch vụ, đang tiếp tục triển khai gói thứ 9 và gói thứ 10. Về đầu tư, Việt Nam thực hiện tốt các gói cam kết trong ASEAN và được đánh giá là một trong những nước hoàn thành tốt nhất các cam kết cũng như thực hiện tốt các sáng kiến của các nước ASEAN thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng AEC cũng còn một số tồn tại mà Việt Nam và các nước ASEAN cần khắc phục như: Lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại (hải quan, tiêu chuẩn), dịch vụ, đầu tư và vận tải…

Xin cảm ơn ông!