Mệt vì khách quốc tế
Cách đây vài ngày, lãnh đạo VFF dù đang bận rộn với công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII nhưng vẫn phải đón tiếp các quan chức đến từ AFC. Đó là Hoàng thân Qatar, ông Hassan Al Thawadi. Ông này đến gặp lãnh đạo VFF vận động sự ủng hộ cho cuộc bầu cử tại Đại hội bất thường AFC. Ông Hassan Al Thawadi tham gia vào cuộc tranh cử giành chiếc ghế đại diện cho AFC tại tổ chức đầy quyền lực FIFA. Đáng nói, ông này chỉ lưu lại Việt Nam vài giờ và sau đó dùng chuyên cơ bay thẳng sang Thái Lan hội kiến với các quan chức của Liên đoàn bóng đá nước này.
Ông Sheikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa, người Bahrain được bầu làm Chủ tịch AFC từ 2013 - 2015.
Không chỉ có ông Hassan Al Thawadi đến Việt Nam, hàng loạt ứng viên khác trong cuộc đua giành vị trí Chủ tịch AFC cũng đến Hà Nội để tìm kiếm sự ủng hộ của VFF. Đầu tiên phải kể đến ông bầu giàu quyền lực của bóng đá Thái Lan, ông Dato' Worawi Makudi. Sau đó, Hoàng thân UAE và đồng thời là Phó Chủ tịch AFC cũng đến Việt Nam. Thông qua những người đại diện, Hoàng thân Bahrain là Shaikh Al Khalifa cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ. Cuối cùng, vị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bahrain đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành chiếc ghế giàu quyền lực nhất AFC.
Phải học AFC
Việc các ứng viên vị trí Chủ tịch AFC cưỡi chuyên cơ đi vận động bầu cử không phải là chuyện hiếm. Đầu tiên phải kể đến việc, họ đều là những yếu nhân và tham gia vào AFC là cách tốt nhất để làm thương hiệu cho nền bóng đá, cho đất nước họ. Nhưng, đằng sau những chuyến bay liên tục ấy lại cho thấy, AFC đang khá dân chủ trong vấn đề bầu cử. Trong mỗi chuyến đi ấy, các ứng viên đều phải đưa ra chương trình hành động thật cụ thể và cam kết mang đến quyền lợi cho các Liên đoàn thành viên vốn ủng hộ mình. Thậm chí, trước thềm bầu cử, người ta đã dành cho các ứng viên thời gian để "khẩu chiến" nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của "cử tri".
Từ chuyện của AFC bỗng nhớ đến VFF. Tháng tới, VFF sẽ tổ chức Đại hội và nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm kiếm đội ngũ lãnh đạo mới. Và, điểm mới nhất chính là việc VFF yêu cầu các ứng viên phải trình bày kế hoạch tranh cử. Rằng, họ sẽ làm gì sau khi trúng cử? Nếu thực hiện được điều này, VFF sẽ có nhiều bước đột phá. Bởi, sau một năm, dư luận bóng đá nước nhà sẽ có cơ hội để kiểm chứng lại những gì mà lãnh đạo VFF đã làm. Khi ấy, Đại hội thường niên của VFF mới thật sự có ý nghĩa. Nó chính là nơi để đánh giá lại năng lực làm việc của lãnh đạo, chứ không phải là chỗ để người ta đến vui vẻ rồi ra về mà không quan tâm đến việc thể hiện quan điểm.
Nói cho cùng, VFF phải là nơi hội tụ của những người làm bóng đá và cả những chuyên gia có thể thúc đẩy sự phát triển của sân chơi này. Người ta đến VFF với nhiệt tâm và bản lĩnh có thể làm được những việc tốt cho cái chung, chứ không nên coi tổ chức này là chỗ để quảng bá hình ảnh cá nhân. Muốn vậy, chỉ có sự dân chủ và một cơ chế giám sát đủ sự minh bạch mới có thể khiến VFF hoạt động thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả.