Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank đồng hành cùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn dành trên 70% vốn cho nông nghiệp, nông thôn, qua các chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 – 2020 của Hà Nội, Agribank tích cực đẩy mạnh cung cấp tín dụng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Thủ đô.

Ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp
Hà Nội luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, với 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội đang là một trong những địa phương có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao nhất của cả nước, mang lại giá trị kinh tế cao gấp gần 30% so với phương thức canh tác truyền thống. Từ đó xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản địa phương.
 Giao dịch tại chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh
Riêng tại địa bàn Hà Nội, Agribank có 34 Chi nhánh hoạt động, nguồn vốn trên 169.000 tỷ đồng. Agribank triển khai quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, xây dựng nông thôn mới, cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, Agribank tập trung cho vay theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu… Agribank đã rất nỗ lực tạo nguồn vốn rẻ, dài hạn, cải cách thủ tục, có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay nông nghiệp theo Nghị định 55, tín dụng xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để DN, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn, triển khai hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn Thủ đô.

Đẩy mạnh dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng

Những năm gần đây, tại các TP lớn có sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng thương mại để tranh giành thị phần. Nhiều ngân hàng tung ra các chương trình huy động lãi suất tiền gửi cao, lãi suất cho vay thấp khiến Agribank gặp nhiều khó khăn để giữ chân khách hàng.

Agribank luôn xác định hai nhiệm vụ quan trọng. Một là, tập trung huy động tối đa nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Hai là, đồng hành cùng các DN trên địa bàn Hà Nội, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, đóng góp vào công tác an sinh xã hội. Vì vậy, bên cạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, một trong những chiến lược của Agribank là mở rộng phát triển thị trường bán lẻ, vận động khách hàng tiềm năng về mở tài khoản thanh toán và phát triển sản phẩm dịch vụ. Tổ chức sắp xếp công tác bán hàng, kết hợp tư vấn khách hàng sử dụng theo nhóm sản phẩm: Mở tài khoản thanh toán - thẻ - E Banking - thanh toán hóa đơn - các dịch vụ khác, hoặc nhóm Tín dụng/nguồn vốn - thanh toán - dịch vụ liên kết ngân hàng bảo hiểm - các dịch vụ khác, liên kết các sản phẩm dịch vụ hiện có để thực hiện bán kèm, bán chéo sản phẩm dịch vụ.

Đối với nhóm khách hàng cá nhân, Agribank cung cấp các sản phẩm phong phú để đáp ứng mọi yêu cầu như có thẻ tín dụng, thẻ tín dụng quốc tế, emobile banking, chuyển tiền đi nước ngoài phục vụ mục đích học tập, du lịch. Agribank đã đưa ra nhiều sản phẩm tiền gửi kỳ hạn linh hoạt với lãi suất cạnh tranh, nhiều sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt tiện ích, thiết thực, giảm thiểu thời gian giao dịch trực tiếp cho khách hàng, tiến tới giao dịch trên các thiết bị thông minh ứng dụng công nghệ cao…

Thời gian tới, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, có chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, các dự án trọng điểm của TP… chú trọng tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý bám sát định hướng phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.