Biểu tình rầm rộ tại Quảng trường Tahrir ở Cairo. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tại thủ đô Cairo, hơn 250.000 người biểu tình đã kéo về Quảng trường Tahrir và trước cửa Dinh Tổng thống ở quận Heliopolis - trung tâm của làn sóng biểu tình chống chính phủ lớn chưa từng thấy trong lịch sử Ai Cập hôm 30/6 vừa qua, nhằm phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như yêu cầu của lực lượng này về việc phục chức cho ông Morsi.
Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu "Bánh mì, tự do và công bằng xã hội" và "Tính hợp pháp thuộc về nhân dân chứ không phải là Rabaa" (ám chỉ địa điểm tập trung của những người ủng hộ ông Morsi), cùng những biểu ngữ phản đối Tổng thống Mỹ Barack Obama, với cáo buộc nhà lãnh đạo này có quan điểm chống lại nhân dân Ai Cập, cũng như đảng Hồi giáo Salafist Nour đã phản đối việc bổ nhiệm ông Mohamed ElBaradei giữ chức Thủ tướng lâm thời.
Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải, hàng chục nghìn người đã tuần hành từ nhiều địa điểm tới tập trung tại Quảng trường Sidi Gaber nhằm phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như thái độ ủng hộ của Mỹ đối với Tổng thống bị phế truất Morsi.
Tại thành phố kênh đào Suez và thành phố Mahala ở khu vực châu thổ sông Nile, các lực lượng ủng hộ cuộc đảo chính quân sự cũng tổ chức nhiều cuộc tuần hành kéo về khu vực quảng trường trung tâm.
Các cuộc biểu tình và tuần hành trên do chiến dịch "Tamarod" (Nổi dậy) - lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình rầm rộ dẫn tới việc ông Morsi bị quân đội phế truất - và các đảng Xã hội chủ nghĩa Cách mạng, Dân chủ Xã hội Ai Cập, Liên minh Xã hội chủ nghĩa Nhân dân phát động, nhằm bảo vệ "tính hợp pháp nhân dân" và làm đối trọng với các cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của phe Hồi giáo ủng hộ "tính hợp pháp dân chủ."
Trong khi đó, từ trưa 7/7, hàng chục nghìn người Hồi giáo đã tập trung tại Quảng trường Al-Adawiya Rabaa (thuộc quận Nasr City ở phía Đông Cairo nhằm phản đối cuộc "đảo chính quân sự" hôm 3/7, đòi phục chức cho ông Morsi và "bảo vệ cuộc cách mạng."
Người biểu tình, trong đó có nhiều phụ nữ mang khăn choàng đen trùm kín mặt và trẻ em, đã cùng tham gia một lễ cầu nguyện trước cửa một nhà thờ nhỏ tại đây.
Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của "Liên minh dân tộc ủng hộ tính hợp pháp" bao gồm một số chính đảng và phong trào Hồi giáo, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo và nhóm Hồi giáo có quan điểm cứng rắn Al-Gamaa Al-Islamiya.
Trong một tuyên bố, liên minh mới được thành lập này khẳng định ông Morsi vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ai Cập và lên án việc lực lượng an ninh truy nã và bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của Anh em Hồi giáo.
Đảng Tự do và Công lý (FJP) - nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo - cho biết sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố cho tới khi ông Morsi được phục chức, đồng thời yêu cầu quân đội bảo vệ các cuộc biểu tình hòa bình của phe Hồi giáo.
Gần 5.000 người Hồi giáo đã phong tỏa con phố nối trụ sở Vệ binh Cộng hòa và lực lượng Không quân Ai Cập, buộc Lực lượng an ninh trung ương và cảnh sát phải can thiệp nhằm khơi thông tuyến đường trọng yếu này.
Những người ủng hộ ông Morsi đã tổ chức biểu tình ngồi trước trụ sở Vệ binh Cộng hòa sau khi có tin vị cựu Tổng thống này đang bị giam giữ tại đây.
Tại các tỉnh thuộc vùng Thượng Ai Cập và khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile, hai phe đối địch cùng tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành trước trụ sở tỉnh trưởng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra các cuộc đụng độ đẫm máu.
Riêng trong những ngày cuối tuần qua, các vụ đụng độ giữa những người biểu tình quá khích đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trên khắp Ai Cập.
Trong một diễn biến khác, nhóm al-Gamaa Al-Islamiya và đảng Xây dựng và Phát triển - nhánh chính trị của tổ chức này - đã kêu gọi Tổng thống lâm thời Adly Mansour từ chức nhằm tránh đẩy Ai Cập vào một cuộc "xung đột gay gắt."
Trong một tuyên bố, nhóm Hồi giáo có quan điểm cứng rắn này cho rằng việc vị cựu Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao này từ chức sẽ giúp đưa đất nước ra khỏi "cuộc khủng hoảng hiện nay và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn."