Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ám ảnh nỗi lo dư cung “nhấn chìm” giá dầu tuần thứ 7 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, giá dầu WTI sụt 10,6% và dầu Brent “bốc hơi” gần 12%, đánh dấu 7 tuần lao dốc liên tiếp, khi nhà đầu tư gia tăng lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung.

Trong phiên giao dịch ngày 19/11, giá dầu phục hồi sau khi số liệu cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ suy giảm. Giá “vàng đen” nhận được lực đẩy trong phiên nhờ thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, tâm lý lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã khiến giá dầu mỏ sụt hơn 6% trong phiên giao dịch ngày 20/11, đẩy giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ chạm mức thấp nhất kể từ từ tháng 10/2017.
Giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp.
Giá dầu mỏ trượt dốc mạnh kể từ đầu tháng 10, thời điểm giá nhiên liệu đạt mức cao nhất trong 4 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu đã sụt hơn 30% do giới đầu tư gia tăng lo ngại tình trạng dư cung sẽ tái diễn trên thị trường cùng với triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Bên cạnh đó, sự lo ngại về kết quả báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED nâng lãi suất và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn cũng gây áp lực không nhỏ đến thị trường dầu mỏ.
Sang ngày 21/11, giá dầu thế giới phục hồi sau khi trượt sâu 6% nhờ thông tin tích cực đối với nguồn cung dầu. Giá dầu phục hồi sau khi báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm và lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) hôm 20/11 cho biết lượng dầu thô thương mại của nước này đã bất ngờ giảm 1,5 triệu thùng xuống còn 439,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 16/11. Ngoài ra, lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đặt mức kỷ lục gần 5 triệu thùng/ngày cũng hỗ trợ cho đà tăng giá của dầu mỏ.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang thận trọng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo về tình hình bất ổn chưa từng thấy trước đây trên các thị trường dầu do môi trường kinh tế khó khăn và các nguy cơ chính trị.
Tới phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu WTI và dầu Brent Biển Bắc giảm khá mạnh, do giới đầu tư vẫn quan ngại về tình hình nguồn cung khi OPEC và các nước đồng minhn đang cân nhắc khả năng sẽ cắt giảm sản lượng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 3 năm vào ngày 23/11, do nhà đầu tư ngày càng lo ngại thị trường quay lại tình trạng dư cung.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 4,21 USD (tương đương 7,7%) xuống 50,42 USD/thùng, phiên giảm lớn nhất kể từ ngày 6/7/2015 và là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9/10/2017.
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng sụt 3,8 USD (khoảng 6,1%) xuống 58,80 USD/thùng. Tính chung trong tuần, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt hạ 10,6% và 12%.
Các nhà đầu tư hiện đang hướng sự chú ý vào cuộc họp chính sách của OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 6/12 tới tại Áo.
Hầu hết các nhà đầu tư dầu mỏ đều bỏ qua thông tin từ The Wall Street Journal (WSJ) cho biết OPEC đang xem xét cắt giảm sản lượng một cách “bí mật”, trong đó Ả Rập Saudi có thể cắt giảm 1 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent và WTI liên tục đảo chiều trong tháng 11/2018 với sự biến động chưa từng thấy kể từ đợt sụt giá trên thị trường giai đoạn 2014 - 2016 và trước đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.
Thị trường dầu thế giới liên tục lao dốc một phần là do chịu áp lực từ sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ bất ngờ tăng vọt. Bên cạnh đó, nguồn cung toàn cầu tăng mạnh trong năm nay, triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu suy yếu và việc chính quyền Tổng thống Donald Trump miễn trừ tạm thời lệnh trừng phạt với 8 nước mua dầu Iran, đã đảo lộn tâm lý lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Riêng Mỹ, Nga và Ả Rập Saudi - 3 nước sản xuất hàng đầu đã cung cấp cho thị trường dầu khoảng 100 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 1/3 lượng dầu tiêu thụ toàn cầu.
Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp chính sách của OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 6/12 tới tại Áo. Theo dự đoán của giới phân tích, OPEC cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, dự định thông báo quyết định cắt giảm nguồn cung từ 1-1,4 triệu thùng/ngày trong cuộc họp sắp tới để tránh lặp lại kịch bản dư thừa nguồn cung năm 2014.