Để khắc phục hậu quả vụ cháy, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc. Cảnh sát PCCC khẩn trương huy động lực lượng đến dập lửa, cứu hộ, hướng dẫn hàng trăm người dân thoát thân; ngành y tế hỗ trợ tối đa để cấp cứu nhằm giảm số lượng người thương vong; Bộ Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp di dời người dân, tài sản khỏi công trình bảo đảm an toàn cho người và công trình… Điều đó cho thấy, tất cả các lực lượng đều cố gắng để cùng khắc phục và tránh xảy ra thêm những sự cố đáng tiếc. Thế nhưng, có lẽ mọi thứ dường như là quá muộn!
Về nguyên nhân vụ cháy bước đầu xác định: Hệ thống cửa ngăn cháy không đóng, dẫn tới hệ thống thang thoát hiểm, thang bộ bị hiệu ứng lò cao, hơi nóng và khí độc bốc lên tận tầng 14. Khi điện bị cắt, hệ thống điện báo lối thoát hiểm tại các tầng cũng bị cắt. Và chính Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đặt câu hỏi: “Người dân nói không nghe tiếng chuông báo cháy mà do dân tự động báo cho nhau.
Trong khi cảnh sát PCCC quận 8 báo cáo với tôi kiểm tra hai lần mỗi năm. Vì sao kiểm tra mà không phát hiện hệ thống báo cháy không hoạt động?”… Trước đó, tại phiên giải trình HĐND TP năm 2017, Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn TP có hơn 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao trên 10 tầng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm về bảo đảm an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn...Từ sau vụ cháy chung cư Carina, cộng đồng người dân sinh sống ở chung cư cả nước, trong đó có Hà Nội trở nên bất an. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, cuối năm 2017, toàn TP có hơn 1.000 chung cư cao tầng (từ 9 tầng trở lên) tập trung ở các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai... Giữa năm 2017, sau đợt tổng kiểm tra công tác PCCC nhà chung cư trên địa bàn, TP đã công bố danh sách 79 chung cư vi phạm.
Cuối năm 2017, đã có 21/79 chung cư vi phạm đã được khắc phục và tính đến tháng 3/2018, trên toàn TP còn 31 chung cư cao tầng vi phạm về PCCC. Con số này thể hiện sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong công tác xử lý, đảm bảo an toàn về cháy, nổ. Tuy vậy, trên thực tế, tình trạng vi phạm về PCCC vẫn luôn diễn biến phức tạp, số vụ cháy thiệt hại về người và tài sản vẫn có xu hướng gia tăng. Cùng với đó, chế tài xử phạt đã “đủ” nhưng việc xử phạt vẫn gặp khó, bởi số tiền khắc phục bỏ ra rất lớn nên nhiều chủ đầu tư “phớt lờ”.Còn một thực tế nữa đang diễn ra, đó là công tác tuyên tuyền gặp nhiều bất cập. Một số địa bàn cư dân vẫn tỏ vẻ thờ ơ với an toàn cháy, nổ. Vừa qua, Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) đã tổ chức đoàn đi giám sát việc quản lý sử dụng nhà chung cư tại quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Đây là hai quận có số lượng chung cư cao nhất của TP, lần lượt là 123 và 104 tòa chung cư.
Cán bộ Cảnh sát PCCC cho hay, dù đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa giấy mời đến từng hộ ở chung cư nhưng khi tuyên tuyền người dân không hào hứng tham gia, chỉ cử người già, thậm chí người giúp việc đi nghe với những lý do, bận đi làm, đi học hoặc đã đọc trên trên báo, trên mạng... Như thế, nếu xảy ra sự cố thì con số thương vong do không có kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn ai có thể lường trước?Không thể cứ một vụ cháy lớn xảy ra rồi, các sở, ban, ngành họp xong rồi lại để vụ việc rơi vào quên lãng. Một lần nữa tiếng chuông cảnh báo lại gióng lên, nhắc nhở những chủ đầu tư, các cơ quan chức năng và cả người dân hãy làm tròn trách nhiệm của mình, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"!