Giữa những bộn bề của lo lắng, những hành động đẹp, những câu chuyện tử tế, đôi khi không chỉ xuất hiện từ người nhà thí sinh, mà ở người thầy, cô giáo. 6 giờ sáng, các học sinh lớp 12D Trường THPT Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội) ngỡ ngàng khi thấy sự có mặt của cô giáo dạy ngữ văn (cô Nguyễn Minh Thủy) lớp mình đứng trước cổng trường. Có khi chỉ là một hành động ôm trò động viên cố lên, hoặc có thể là sự sốt sắng gọi điện thúc giục phụ huynh và học sinh đến đúng giờ…, cô Thủy đã truyền cho học trò sự yên tâm, làm vơi đi nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh cho một kỳ thi đánh dấu bước ngoặt của tuổi nhất quỷ nhì ma. Sự động viên đó rất đúng lúc và cần lắm thay!.
Thi đại học, thi tốt nghiệp là kỳ thi quan trọng nhất của học sinh. Đã qua rồi cái thời con cái đi thi đại học là niềm vinh dự của cả làng, cả dòng họ nhưng với mỗi cô cậu học trò lớp 12, đây vẫn là một mốc son quan trọng của cuộc đời. Chính vì vậy, câu chuyện cậu học trò Lê Văn Hoàng ở địa điểm thi Trường THPT Nam Đàn 2 (Nghệ An) cắn răng chịu cơn đau vì nẹp cổ sau tai nạn giao thông cũng lấy nước mắt, sự cảm động của những người xung quanh. 2 y tá, bác sĩ túc trực quanh phòng thi của Hoàng không còn thấy sự vất vả, mà chỉ thầm mong cậu vượt qua được cơn đau thể xác, đạt kết quả tốt để chào đón cánh cửa tương lai rộng mở phía trước. Cùng với Hoàng, nhiều sĩ tử khuyết tật, nhiều tấm gương nhà nghèo vượt khó cũng đang hướng về mục tiêu không chỉ tấm bằng tốt nghiệp THPT mà là giảng đường đại học, hoặc một trường dạy nghề theo đúng sở trường và mơ ước.Gần 1 triệu thí sinh cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng là cả hàng triệu người thân, thầy cô giáo hay tình nguyện viên thao thức, lo lắng cùng họ. Những suất ăn sáng bằng chiếc bánh mì, những cốc nước mát do các tình nguyện viên chuẩn bị, tuy nhỏ bé nhưng cũng ấm lòng người trong cuộc. Thời gian qua đi, điều ở lại là kỷ niệm khắc ghi trong lòng những người sống cùng mùa thi.