KTĐT - Hầu như ngày nào, nhà chị Hà Linh (ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cũng có món canh khoai nấu xương.
Canh khoai, cà rốt nấu xương là món khoái khẩu của nhiều người. Đáng nói nhiều bà nội trợ hiển nhiên coi canh khoai là một món rau mà không biết rằng, thực chất canh khoai cung cấp nhiều chất bột đường mà không có nhiều chất xơ và vitamin như rau xanh.
Hầu như ngày nào, nhà chị Hà Linh (ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cũng có món canh khoai nấu xương. Hôm thì canh khoai sọ nấu xương, khi thì khoai tây cà rốt với sườn thăn. Hôm không có canh thì lại là khoai tây chiên chấm nước sốt… Bởi đơn giản là hai đứa con nhà chị, bé nào cũng “khoái” món ăn này. Mỗi bữa, hai bé “đánh bay” cả hai bát cơm khi chan với món canh khoai.
Trong một lần khám sức khoẻ định kỳ ở trường học của con, khi bác sĩ hỏi kỹ thói quen ăn uống, mới biết cả gia đình chị đều rất ngại ăn rau xanh nên đã chuyển sang món canh khoai, vừa tiện nấu lại vừa dễ ăn. Việc ăn quá nhiều tinh bột, trong khi thiếu hẳn nguồn rau xanh cung cấp chất xơ và nhiều vitamin chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cả vợ chồng, con cái chị đều “phốp pháp” nhưng lại mắc chứng táo bón nặng nề.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, rất nhiều người nhầm tưởng có thể ăn khoai, cà rốt thay thế cho rau xanh. Thực ra, đây là loại rau cung cấp chủ yếu nhóm bột đường (dù lượng tinh bột này thấp hơn ở gạo) chứ không phải là rau xanh như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu chỉ ăn canh khoai, vẫn giữ lượng cơm như cũ, sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng thừa bột đường nhưng lại thiếu vitamin. Vì vậy, nếu bữa cơm có món ăn từ khoai thì cần phải nấu bớt gạo. Đồng thời trong bữa ăn cần có thêm rau xanh, các loại rau quả khác.