Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn cây nào, rào cây ấy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cổ nhân dạy: “Ăn cây nào rào cây ấy”. Bóng đá chuyên nghiệp quy định, “cầu thủ phải thi đấu cho đội bóng trả lương cho mình”. Nhưng, bóng đá vốn có không ít những điều cắc cớ nên các nhà lãnh đạo luôn phải đau đầu với câu hỏi, “tin hay không tin” cầu thủ.

Số là bóng đá Việt Nam đã quá quen với sự dịch chuyển của cầu thủ. Thậm chí, người ta cho rằng, việc một cầu thủ SLNA thi đấu cho Hà Nội T&T thể hiện sự chuyên nghiệp về chuyển nhượng. Nhưng, bóng đá ngoài việc cần có sự chuyên nghiệp trong chi trả tiền thì rất cần có sự chuyên nghiệp trong thi đấu. Và đó mới là yếu tố quyết định sự lành mạnh của cuộc chơi cũng như bản lĩnh của cầu thủ.

Có một chuyên gia bóng đá nói rằng: “Cầu thủ Việt Nam hưởng lương chuyên nghiệp nhưng cách hành xử thì vô cùng nghiệp dư”. Dông dài như vậy để trở về với nỗi khổ tâm của lãnh đạo Hà Nội T&T trước trận đại chiến với SLNA. Họ đang phải dằn vặt với chuyện nên, hay không nên sử dụng các cầu thủ xứ Nghệ An trong cuộc đối đầu với SLNA. Hồ nghi, băn khoăn là bởi, không ít lần, Hà Nội T&T đã phải trả giá đắt vì các cầu thủ Nghệ An bỗng dưng đánh mất phong độ khi đối đầu với đội bóng quê hương.

Bây giờ, trong cuộc chiến sống còn, các cầu thủ không xuất thân từ Nghệ An đã ra yêu sách. Họ yêu cầu phải loại những cầu thủ trong diện “tình nghi” ra khỏi danh sách thi đấu. Thôi thì, một mất mười ngờ, các cầu thủ này không muốn những nỗ lực của mình đổ xuống sông, xuống bể vì sai sót của đồng đội.

Nhưng, nghiệt một nỗi, nghe theo tối hậu thư kể trên thì có nghĩa, lãnh đạo đã không chuyên nghiệp với các cầu thủ gốc Nghệ An. Rằng, dù thế nào thì họ cũng phải tin cầu thủ hoặc có giải pháp để chấn chỉnh nội bộ chứ không được để sự nghi kỵ giết chết đội bóng.

Câu chuyện về Hà Nội T&T cũng là những điều thường gặp ở bóng đá Việt Nam. Dù chúng ta đã làm bóng đá chuyên nghiệp được 13 năm nhưng có vẻ, cầu thủ vẫn chưa xác định được thế nào là chuyên nghiệp. Họ vẫn để những lấn cấn nơi hậu trường làm hoen ố hình ảnh của mình cũng như đội bóng.

Thế mới biết, để hiểu được câu, “ăn cây nào, rào cây ấy” thật không đơn giản.