KTĐT - Cả giới công nghệ và truyền thông “phát sốt” trước lời tuyên bố sẽ sản xuất máy tính bảng giá 35 USD được cho là rẻ nhất thế giới của Ấn Độ nhưng tạp chí Computerworld lại khẳng định rằng điều này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Hàng loạt các tờ báo lớn đều đồng loạt đưa tin về chiếc máy tính bảng rẻ nhất thế giới này như “Ấn Độ tung ra máy tính bảng 35USD cho sinh viên” (CNN), “Ấn Độ trình làng nguyên mẫu của chiếc máy tính màn hình cảm ứng 35USD”(BBC News) hay “Ấn Độ cung cấp chiếc máy tính 35USD cho sinh viên” (BusinessWeek). Tuy nhiên, cũng gần như ngay lập tức, tạp chí Computerworld đã cho đăng tải một bài viết với nhiều dẫn chứng chứng minh chiếc máy tính 35USD này thực ra chỉ là sản phẩm tưởng tượng của chính phủ Ấn Độ mà thôi.
Theo những nguồn tin trên, Bộ phát triển nguồn nhân lực của Ấn Độ đã công bố một chiếc máy tính bảng chạy bằng năng lượng mặt trời mang tính đột phá chỉ có chi phí vẻn vẹn 35USD và sẽ được xuất xưởng đầu năm 2011. Các bài báo khẳng định mẫu tablet này được phát triển tại các trường đại học lớn của Ấn Độ. Ông Mamta Varma, một phát ngôn viên của Bộ phát triển nguồn nhân lực của Ấn Độ nói như đinh đóng cột: “Chúng tôi đang thực hiện một bước đột phá và hiện đã sẵn sàng để chiếm lấy thị trường”
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch này, một triệu chiếc tablet sẽ được cung cấp cho sinh viên đại học. Trong giai đoạn sau, chương trình sẽ được mở rộng cho học sinh tiểu học và trung học. Hàng triệu học sinh sẽ được sử dụng những chiếc tablet giá rẻ này chỉ trong vòng một năm.
Các quan chức cao cấp của Ấn Độ thậm chí còn bật mí rằng tương lai giá của chiếc tablet này có thể giảm xuống chỉ còn 10USD/chiếc.
Dự án tuyệt vời này có vẻ đang nhắm đến một mục đích tương tự như chương trình Một laptop cho một trẻ em. Tuy nhiên, những người tham gia chương trình này vẫn đang phải vật lộn để đưa giá của chiếc máy tính không màn hình cảm ứng có một không hai này xuống còn 100USD. Thế nên, chiếc tablet 35USD mà Ấn Độ tuyên bố đã phát triển được liệu có thể tin là sự thật?
Tạp chí Computerworld khẳng định giới truyền thông đã quá cả tin khi đăng tải về câu chuyện này mà không một chút hoài nghi về tính xác thực của nó.
Theo Computerworld, các chính trị gia Ấn Độ đã phát hiện ra rằng việc công bố những bước đột phá công nghệ sử dụng những khả năng kĩ thuật của Ấn Độ làm đòn bẩy để sản xuất máy tính cho tất cả mọi người sẽ ngay lập tức gây chú ý cho giới báo chí và giành được số phiếu bầu cần thiết.
Chiếc máy tính bảng 35USD, một cách quảng cáo giá rẻ vì mục đích chính trị đã tỏ ra cực kì hiệu quả khi đánh lừa được giới truyền thông. Tiêu đề “chiếc tablet 35USD” cũng đủ làm thu hút nhiều triệu độc giả trên toàn thế giới và khiến cho tất cả các tờ báo nào cũng muốn đăng tin. Trong khi đó, một tiêu đề “giới truyền thông lại bị đánh lừa một lần nữa” chỉ mang lại sự hổ thẹn. Vì vậy, tất cả đều nhắm mắt cho qua dù chắc chắn không ít người đã tỏ ra hoài nghi về câu chuyện này.
Tạp chí Computerworld đưa ra dẫn chứng vào tháng 2 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ cũng công bố một chiếc laptop có tên gọi Shaksat với giá chỉ từ 10 đến 20USD. Giống như chiếc tablet 35USD, Shaksat cũng có bộ nhớ RAM 2GB nhưng những chi tiết về các linh kiện khác của nó không được tiết lộ.
Shaksat được khẳng định sẽ tung ra thị trường trong vòng 6 tháng và phục vụ cho hàng triệu học sinh, sinh viên Ấn Độ, chuyển đổi hệ thống giáo dục và kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Nhưng Shaksat đã không bao giờ xuất hiện.
Năm 1999, một nhóm các nhà khoa học và kĩ sư Ấn Độ đã phát triển một chiếc máy tính giá rẻ dành cho người nghèo có tên gọi Simputer. Chiếc máy tính này chạy trên hệ điều hành Linux, có bút, màn hình cảm ứng và khả năng biến chữ viết thành giọng nói. Simputer được quảng bá với sự phô trương rất lớn của chính phủ Ấn Độ với tham vọng bán được 50.000 máy nhưng cuối cùng cũng chỉ có khoảng 4000 máy được tiêu thụ.
Tạp chí Computerworld khẳng định bản thân Ấn Độ không tự sản xuất màn hình cảm ứng. Họ bắt buộc phải nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Đài Loan. Mức giá hiện tại của riêng linh kiện này đã vượt quá 35USD. Cũng như màn hình cảm ứng, phần lớn các tấm pin mặt trời cũng được sản xuất ở Trung Quốc. Nhưng ngay cả tấm pin mặt trời rẻ nhất đủ mạnh để cung cấp năng lượng cho một chiếc máy tính bảng hoạt động cũng đã khiến chi phí sản xuát vượt nhiều so với con số 35USD.
Đó là chưa kể việc phải mua bộ nhớ RAM 2GB, vỏ máy và các linh kiện khác. Thậm chí nếu áp dụng định luật Moore và giả sử giá các linh kiện được hạ xuống mức thấp nhất thì chi phí sản xuất một chiếc máy tính bảng cảm ứng chạy bằng năng lượng mặt trời như Ấn Độ công bố không thể thấp hơn mức 100USD.
Thêm nữa, không nước nào trên thế giới đủ khả năng sản xuất một chiếc máy tính rẻ hơn những chiếc máy tính do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc đã được tối ưu hóa cho việc sản xuất với chi phí cực thấp. Tất cả năng lực kĩ thuật ở Ấn Độ không thể thay đổi được điều đó.
Và nếu Ấn Độ xây dựng được máy tính bảng 35USD vào năm tới thì có lẽ 100 công ty của Trung Quốc sẽ bán ra thị trường những mẫu tablet chỉ có giá vẻn vẹn 20USD. Lúc đó, sáng kiến này của Ấn Độ sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Đó cũng là thảm cảnh đã xảy ra với Simputer. Trong thời gian chiếc máy tính này được hoàn thành, được cấp phép và đưa vào sản xuất thì thị trường đã được đón nhận những thiết bị tốt hơn với mức giá rẻ hơn.
Vì thế, ngoài sản phẩm mang tính đột phá là chiếc máy tính bảng siêu rẻ mà chính phủ Ấn Độ vừa công bố, họ cũng sẽ phải tạo ra một bước đột phá trong năng lực của chính phủ để sản xuất những chiếc máy tính rẻ hơn trên thị trường, một điều chưa từng bao giờ xảy ra và có khả năng không bao giờ xảy ra.
Nói tóm lại, Computerworld khẳng định việc công bố mẫu tablet giá 35USD không hơn gì một trò lừa đảo vì mục đích chính trị và một lần nữa, giới truyền thông thế giới lại bị mắc lừa.