Dễ mắc bệnh tăng huyết áp
Muối (NaCl - được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học Natri và Chlorua), là gia vị thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi người dân. Tuy nhiên, nếu dư thừa Natri so với nhu cầu, sẽ tăng tính thấm, tăng trương lực thành mạch, gây ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi làm tăng huyết áp.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc, từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối và các gia vị mặn khi chế biến thức ăn. Trong các thực phẩm tự nhiên, Natri có sẵn với một lượng nhất định, thường có nhiều ở thức ăn nguồn động vật như thủy, hải sản, thịt, sữa và các sản phẩm của sữa… Nhưng nguồn Natri tiêu thụ hàng ngày chủ yếu từ muối ăn, các loại bột canh, nước mắm, nước chấm được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm. Lượng Natri có trong muối và các gia vị khác có chứa muối cao hơn rất nhiều so với các thực phẩm tự nhiên.Tăng tiêu thụ Natri có liên quan tới tăng huyết áp, trong khi giảm tiêu thụ Natri làm giảm huyết áp ở nguời truởng thành. Khẩu phần Natri tăng cũng liên quan trực tiếp tới các bệnh tim mạch, nhất là đột quỵ và bệnh mạch vành tim. Giảm khẩu phần Natri, giảm huyết áp có lợi cho sức khỏe, làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều muối khiến tần suất mắc bệnh tăng huyết áp cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn so với những người ở đồng bằng và miền núi. Chế độ ăn giảm Natri theo nhu cầu từ sớm có thể giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh, giảm tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp sau này. Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn giảm muối là có thể điều trị được bệnh.Thói quen của người Việt là trong mỗi mâm cơm, ngoài các món ăn, đều có bát nước mắm hoặc đĩa muối dùng để chấm; ở các cửa hàng ăn, trên mỗi bàn ăn đều có sẵn các loại gia vị để người dùng tự thêm vào cho hợp khẩu vị.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đến 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chủ yếu là từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn, từ các thực phẩm chế biến sẵn là 11%, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7,4%. Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (tương ứng với (35,1% và 31,6%). Mì chính và muối tinh cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7,5% và 6,1%).
Trong các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền là thực phẩm có lượng muối lớn (7,5%). Bởi vậy việc giảm muối trong chế độ ăn phụ thuộc rất nhiều vào các thực hành nấu nướng của người nội trợ, ngoài ra còn là thói quen lựa chọn thực phẩm và thói quen ăn uống, cũng như khẩu vị của mỗi thành viên trong gia đình. Một số cách để hạn chế muối trong chế độ ăn Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:- Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn - Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày. - Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…- Lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn. - Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối. - Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ việc thêm các gia vị mặn.
Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia