An toàn cho mắt với nắng Hè

Bác sĩ Hoàng CươngBệnh viện Mắt T.Ư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ta thường chỉ chăm chút bảo vệ làn da, nhưng lại thường quên bảo vệ mắt trước nắng Hè.

Khoa học chứng minh rằng, phơi nhiễm thái quá với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển đục thể thủy tinh cùng một số loại ung thư của mắt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nếu như với làn da, việc dùng buồng phát tia UV làm rám nắng có thể gây ra ung thư da, với đôi mắt nguy cơ do tia UV cũng tương tự. Ánh nắng mặt trời phản xạ từ cát trắng và nước có thể gây ra viêm giác mạc do ánh sáng. Vì vậy, những người đi bơi và đi tắm biển cần ghi nhớ điều này. Việc phát xạ tia UV có thể hình thành từ ánh sáng mặt trời trong tự nhiên hoặc các nguồn phát nhân tạo từ máy móc đều có thể gây ra một số bệnh lý tại mắt, trên phần bề mặt nhãn cầu như giác mạc, thể thủy tinh…

Để bảo vệ mắt, việc đeo kính ngăn tia UV giúp chúng ta vui chơi thoải mái trong mùa hè, giảm bớt các bệnh lý gây mù lòa và một số loại ung thư. Để bảo vệ mắt một cách thông minh trước ánh sáng mặt trời, Hội Nhãn khoa Hoa kỳ( AAO) đưa ra một số lời khuyên như sau:

Mang kính râm có gắn mác loại trừ 100% tia UV: Nên dùng kính ngăn được cả tia UV A và B, kính gắn mác UV400 hoặc 100% UV protection; Chọn gọng kính có vành rộng sao cho ánh sáng không thể đi vào mắt bạn từ phía bên; Nếu dùng kính tiếp xúc loại chống tia UV vẫn nên đeo thêm kính râm bổ trợ.

Đội mũ đi kèm với đeo kính: Mũ rộng vành là tốt nhất.

Đối với trẻ em: Tốt nhất là không để trẻ chơi nắng vào buổi trưa, luôn cho trẻ đeo kính, đội mũ bất cứ khi nào phải ra nắng. Ánh sáng mặt trời có đậm độ tia UV cao nhất vào buổi trưa và đầu giờ chiều, tia UV cũng tăng mạnh cùng với độ cao địa lý, rất mạnh khi phản xạ từ nước và băng tuyết. Nên nhớ là bóng mây không cản được tia UV bởi tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù, gây hại cho chúng ta quanh năm chứ không phải chỉ riêng mùa hè.

Nếu tất cả các biện pháp ngăn ngừa đã thực hiện mà bạn vẫn bị bỏng rát mắt, chảy nước mắt dàn dụa, giảm thị lực sau khi tắm nắng quá mức hãy tự sơ cứu như sau: Chườm hoặc đắp khăn lạnh quanh mắt;  Nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý liên tục; Đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt gần nhất.