Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áo dài Việt Nam trở thành "đặc sản" của du lịch Hà Nội

Bài, ảnh: Bùi Văn Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hậu Festival Áo dài Hà Nội 2016, “Không gian áo dài Việt” (Lanhuong Fashion House, số 18 đường Âu Cơ, Hà Nội) chính thức mở cửa từ ngày 11/12/2016 đã biến ý tưởng mở tour “Áo dài Hà Nội” thành hiện thực và trở thành “đặc sản” hấp dẫn của du lịch Thủ đô. Đồng thời, hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thời trang trong tương lai.

Từ ý tưởng…

Từ nhiều năm trước, khi còn công tác tại Văn phòng UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng đã ấp ủ ý tưởng xây dựng áo dài thành sản phẩm du lịch của Hà Nội. Bởi với truyền thống của Hà Nội xưa, cùng phố Cầu Gỗ từng là nơi có nhiều cửa hàng áo dài có chung chữ “Trạch”; rồi cả một làng áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa), Hà Nội hoàn toàn có thể tổ chức tour du lịch áo dài. Nhưng, chỉ khi ông Hồng đảm trách vai trò Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ý tưởng ấy mới từng bước được hiện thực hóa. Thực tế, từ nhiều năm nay, khi thiết kế chương trình tour du lịch Hà Nội, các DN đã đan xen, kết hợp giới thiệu vẻ đẹp của áo dài truyền thống. Đơn cử như tour “Cảm xúc Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội và một số DN đón khách từ tháng 6 cũng thiết kế chương trình tham quan, xem quy trình dệt may áo dài, tư vấn cho khách mua hoặc may áo dài tại làng lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa thể phát huy hết giá trị của áo dài phục vụ du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cùng vợ chồng nghệ nhân Lan Hương thực hiện nghi lễ khai trương “Không gian Áo dài Việt”, ngày 11/12. 
Cũng như quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù khác, con đường hiện thực hóa ý tưởng ấy cần phải được làm một cách bài bản, có trọng tâm trong một thời gian dài. Đầu tiên là phải vận động các DN, nghệ nhân áo dài tham gia; tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa của việc này và làm theo. Để hình thành tour “Áo dài Hà Nội”, từ đầu tháng 8, những người làm tour này đã khảo sát nhiều nhà mốt trên địa bàn nhằm xây dựng điểm đến. Từ đó, khuyến khích các hãng lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Cuối cùng, Lan Hương Fashion House đã được chọn vì không chỉ có đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ du khách, quan trọng hơn, chủ nhân của địa chỉ này là nhà thiết kế Lan Hương - nghệ nhân áo dài đầu tiên của Việt Nam rất yêu văn hóa Hà Nội, tâm huyết với Thủ đô. Chị mong muốn được góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời giới thiệu văn hóa Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung qua tà áo dài tới du khách trong nước, bạn bè quốc tế.

… đến sản phẩm

Việc tổ chức “Festival Áo dài Hà Nội 2016” với chủ đề “Tinh hoa áo dài Việt Nam” vào tháng 10/2016 được xem như bước đi đầu tiên trong hành trình kết nối, đưa áo dài thành sản phẩm có tính chất điểm nhấn, tạo sức hấp dẫn cho du lịch. Diễn ra trong 3 ngày, Festival Áo dài 2016 quy tụ 32 nhà thiết kế đến từ 3 miền Bắc – Trung - Nam với những thiết kế áo dài thể hiện đậm nét văn hóa Hà Nội. Hơn 3 vạn lượt du khách trong nước và quốc tế không chỉ được hòa mình vào một không gian nghệ thuật sâu lắng, tinh tế mà còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, ẩm thực đa dạng và phong phú.
 Trình diễn bộ sưu tập áo dài của nghệ nhân Lan Hương tại "Không gian Áo dài Việt" ngày 11/12
Nhưng, quan trọng hơn, hậu Festival Áo dài Hà Nội 2016, ngày 11/12, Sở Du lịch Hà Nội công bố: “Lanhuong Fashion House đã chính thức “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” và trở thành “Không gian áo dài Việt”. Đây là lần đầu tiên, một cơ sở thời trang trên địa bàn TP Hà Nội được trao vinh dự này. Đó là kết quả của những nỗ lực và sáng tạo không ngừng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều người ví Lanhuong Fashion House giống như một “Bảo tàng áo dài” thu nhỏ. Bởi nơi đây trưng bày gần như đủ đầy những mẫu thiết kế áo dài đặc trưng qua các thời kỳ, từ áo Giao Lãnh, áo tứ thân, áo ngũ thân, cho đến áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, áo dài Trần Lệ Xuân, áo dài những năm 1970 - 1980 và cả áo dài hiện đại.

Nhưng “Không gian Áo dài Việt” không đi sâu vào vấn đề học thuật mà mang đến cho du khách cái nhìn tổng thể về tà áo truyền thống của người phụ nữ Việt, với toàn bộ nguyên liệu là hàng thủ công sản xuất trong nước. Ở đây, các “thượng đế” sẽ được chiêm ngưỡng những bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, thợ giỏi thêu từng nét hoa văn, khâu từng vành nón, kéo từng sợi tơ, để dệt khăn, vải lụa. Cùng với đó là quy trình sản xuất khép kín, từ khâu ý tưởng, thiết kế, sản xuất, xưởng may, xưởng thêu, các cửa hàng giới thiệu, bán áo dài và phụ kiện kèm theo như: Nón lá, trang sức, hài, guốc gỗ…

Và trở thành “đặc sản”

Tại thời điểm diễn ra Festival Áo dài Hà Nội 2016 (từ ngày 14 – 16/10), tour “Áo dài Hà Nội” vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng từ những nền tảng Sở Du lịch Hà Nội đã gây dựng, APT Travel đã tự tin giới thiệu tour “Áo dài Hà Nội”, khởi hành từ 1/11 tới du khách quốc tế. Theo đó, khi tham gia City tour tại APT Travel, du khách sẽ được thử và mặc áo dài trong suốt hành trình tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, dạo bộ phố cổ tìm hiểu văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và không nằm ngoài dự đoán, tour “Áo dài Hà Nội” đã nhận được phản hồi tích cực từ các “thượng đế”. Ông Jess Glynne (56 tuổi, đến từ Anh) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến Hà Nội, quả thực khi mặc áo dài để khám phá và hòa mình vào nhịp sống ở Thủ đô, trong tôi trào lên một niềm xúc động, như mình chính là người Hà Nội vậy”. Vì thế, dù mới khai trương được hơn một tháng nhưng “Không gian Áo dài Việt” đã hấp dẫn hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế.

Để tour “Áo dài Hà Nội” ngày càng được nhiều du khách yêu thích, Sở Du lịch đã “hiến kế” cho UBND TP Hà Nội tổ chức các chương trình biểu diễn, trưng bày áo dài tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Từ đó, lan tỏa phong trào mặc áo dài đến phố đi bộ cho người dân và du khách. Đây không chỉ là cách quảng bá du lịch hiệu quả, mà còn giúp khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tràng An văn minh thanh lịch. Vậy là, với sự chung tay của các DN, các nhà thiết kế, ý tưởng tour “Áo dài Hà Nội” đã hiện hữu giữa lòng Thủ đô, trở thành món “đặc sản” độc nhất vô nhị, thấm đẫm phong vị Hà Nội mà du khách luôn muốn trải nghiệm.