Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áo muốn hỗ trợ Việt Nam triển khai dịch vụ công chứng số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính phủ Áo cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án công chứng số bằng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Thông tin này được ông Manfred Brandner, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Bit Media (Áo) khẳng định tại Hội thảo Giải pháp công chứng số được Bộ Tư pháp, Đại sứ quán Áo tại Việt Nam và Bit Media phối hợp tổ chức ở Hà Nội ngày 6/12. Ông Manfred Brandner cho biết thêm, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Áo có thể tài trợ 90.000 euro cùng với vốn đối ứng của Việt Nam để lập báo cáo tiền khả thi.

Bit Media là công ty hỗ trợ Chính phủ Áo về các giải pháp hành chính công hơn 10 năm qua, đồng thời tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Châu Âu (EC) trong các dự án nâng cao năng lực hành chính cho các quốc gia đang phát triển.
Áo muốn hỗ trợ Việt Nam triển khai dịch vụ công chứng số - Ảnh 1

Đại sứ Áo tại Việt Nam Geogre Heindl cho biết, Áo rất quan tâm chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quan lý cho Việt Nam, đồng thời đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển. Đến nay, Áo đã tài trợ cho Việt Nam tổng cộng 220 triệu USD vốn ODA trong lĩnh vực y tế, môi trường và đào tạo nghề.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đánh giá, dịch vụ công chứng số góp phần tích cực cho cải cách hành chính, giúp nâng cao hiểu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, tiết kiệm chi phí và thời gian cho  người dân và cải thiện chất lượng dịch vụ của các văn phòng công chứng.

Theo đề xuất của Bit Media, triển khai dịch vụ công chứng số cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp đầy đủ và cập nhật thường thông tin chính sách pháp luật liên quan các lĩnh vực công chứng, dữ liệu đầy đủ về hệ thống văn phòng công chứng và công chứng viên.

Thời gian qua, các dự án thiết lập cơ sở dữ liệu triển khai khó khăn do gặp vấn đề về thu thập và xử lý thông tin. Ông Manfred Brandner cho rằng, để triển khai thành công dịch vụ công chứng số phải chú trọng tới tính đồng bộ hóa và chuẩn mực để kết nối thông tin hiệu quả, ngoài lựa chọn giải pháp công nghệ tốt cần quan tâm đến đào tạo.

Ông Chu Văn Khanh, Chủ tịch Hội Công chứng TP Hà Nội, cho rằng, công chứng số là giải pháp rất tốt. Ví dụ như trong đăng ký nhà đất, công chứng số nắm được lịch sử các giao dịch, qua đó giúp tránh những trường hợp lừa đảo về thủ tục công chứng xảy ra thời gian qua.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Việt Nam hiện có 800 tổ chức hành nghề công chứng với 1.300 công chứng viên. Thời gian tới, để phát triển và năng cao chất lượng lĩnh vực công chứng, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công chứng như trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng trong năm 2013, Quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, triển khai tích cực Quy chế đạo đức hành nghề công chứng, tăng cường hợp tác quốc tế…