Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm ATGT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) và triển khai định hướng nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung trong giai đoạn 2016-2020 để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Đánh giá kết quả đạt sau 5 năm triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88 của Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, việc chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với giai đoạn trước...

 
Phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 là: Giảm 5-10% số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương hằng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, ô tô kinh doanh vận tải; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM) không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút; tiếp tục thực hiện năm ATGT hằng năm với từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Một số địa phương đạt kết quả nổi bật như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đà Nẵng… Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và một số trục giao thông chính đã từng bước được khắc phục.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này, đó là tình hình TTATGT tiếp tục diễn biến phức tạp trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới tăng nhanh. Số người chết và bị thương vì TNGT còn ở mức cao. TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra mà con số gây nhức nhối là mỗi năm vẫn còn gần 9.000 người chết vì TNGT. Tình trạng xe chở quá tải trọng giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp; tình trạng ùn tắc giao thông tái diễn phức tạp tại Hà Nội, TPHCM. Vẫn còn nhiều vi phạm nghiêm trọng diễn ra trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt...

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân bằng các hình thức thích hợp để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, phải sửa đổi, bổ sung một số quy định, áp dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm ATGT.

Bên cạnh việc tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm để bảo đảm răn đe, hạn chế vi phạm và TNGT. Có đề án truyền thông cụ thể, có quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người tham gia giao thông.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua bảo đảm ATGT giai đoạn 2016-2020 trong các cơ quan chuyên trách và toàn thể nhân dân.