Áp dụng quota thay thuế tự vệ, tại sao không?

Phạm Bích
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong trường hợp thấy cần thiết phải bảo hộ một số DN đại diện cho ngành sản xuất trong nước, cơ quan quản lý có thể thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế tự vệ mà không cân nhắc kỹ sẽ gây thiệt hại nặng nề đến người tiêu dùng, các DN sản xuất hạ nguồn, DN nhập khẩu (NK) có liên quan. Cụ thể, trong vụ việc đối với tôn mạ màu đang đi đến hồi kết, việc sử dụng công cụ thuế tự vệ có thể mang đến những vấn đề đáng quan ngại.
Nỗi lo nhãn tiền khi áp dụng thuế tự vệ
Trước hết, thuế tự vệ sẽ làm giá tôn mạ màu trong nước tăng cao, cắt giảm nguồn hàng tôn mạ màu NK giá cạnh tranh mà vẫn chất lượng. Tương tự như trường hợp áp dụng thuế tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài NK vừa qua. Giá thép tăng bất thường đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh của nhiều DN và gây bất ổn cho xã hội, gây phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
Cùng với đó, việc tăng giá thép cũng được nhận định sẽ ảnh hưởng bất lợi đến nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. Thậm chí có thể dẫn đến phá sản do giá nguyên liệu đầu vào quá cao, không cạnh tranh được.

Sản xuất tôn màu tại Công ty CP Thép Nam Kim. Ảnh: Phạm Hùng

Các thị trường liên quan như bất động sản, xây dựng… vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn, khi tôn mạ màu – một trong những nguyên liệu đầu vào chính của các ngành này bị đẩy giá lên mạnh. Đồng thời, một loạt các DN sản xuất tủ lạnh, máy giặt, thiết bị điện gia dụng khác như Samsung, Panasonic, LG… tại Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị buộc phải nhập hàng chất lượng cao từ Hàn Quốc, Trung Quốc mà trong nước chưa sản xuất được.
Thực tế, với các mức thuế NK tôn mạ màu như hiện tại, các DN NK mới có khả năng cạnh tranh, việc kinh doanh vừa đủ có lãi để đảm bảo tốt việc làm và thu nhập cho người lao động. Việc tăng thuế NK lên cao chắc chắn sẽ đẩy các DN, vốn không có lỗi này, vào tình thế khó khăn.
Giải pháp nào tốt hơn là đánh thuế tự vệ?
Đồng tình với quan điểm bảo vệ ngành sản xuất tôn mạ màu trong nước nếu thực sự cần thiết, tuy nhiên cách thức bảo vệ như thế nào cũng là điều cần cân nhắc kỹ. Thay vì cứng nhắc áp dụng thuế tự vệ cao, biện pháp sử dụng hạn ngạch (quota) lại cho thấy nhiều ưu việt hơn. Thứ nhất, chỉ xét riêng về mức độ bảo hộ, khi cả thuế quan và hạn ngạch cùng nhắm đến mục tiêu hạn chế một lượng hàng NK nhất định, thì sự bảo hộ bằng hạn ngạch mang lại hiệu quả “chắc chắn” hơn. Bởi áp dụng thuế tự vệ, ảnh hưởng của việc tăng thuế đối với số lượng hàng hóa NK phụ thuộc vào sự co giãn về giá cả của những hàng hóa này. Nhưng với hạn ngạch thì số lượng hoặc giá trị NK đã được khống chế trong thời gian áp dụng tự vệ với mức độ hợp lý để DN trong nước lấy lại thị trường và tăng năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, hạn ngạch góp phần giảm thiệt hại về giá đối với người tiêu dùng và ngành công nghiệp hạ nguồn. Khi tăng thuế NK, thuế tăng thêm này sẽ tác động trực tiếp làm tăng giá, khiến người tiêu dùng vừa phải mua hàng hóa với chi phí cao hơn, lại vừa phải giảm sản lượng tiêu dùng so với trước đây. Trong khi đó, hạn ngạch NK chỉ tác động lên giá một cách gián tiếp, khi các DN vẫn có thể giữ nguyên giá NK bằng cách điều tiết lại quy mô sản xuất, chiến lược xuất khẩu của mình một cách hợp lý. Chưa kể đến tình hình thực tế hiện nay, một số thông tin cho thấy sản lượng tôn mạ màu NK vào Việt Nam vượt quá nhu cầu tiêu thụ thực tế, do đó khi áp dụng hạn ngạch NK sẽ vừa đảm bảo người dân vẫn được sử dụng tôn màu giá hợp lý, mà sản lượng tôn màu tại Việt Nam lại không bị dư thừa.
Thứ ba, hạn ngạch sẽ mang lại công bằng hơn khi so sánh về thiệt hại mà DN NK với DN sản xuất trong nước phải gánh chịu. Vì cả nhà sản xuất và NK đều không có lỗi, nên việc cân nhắc tới lợi ích của các DN NK trong nước là điều mà các cơ quan Nhà nước cũng cần phải quan tâm. Tương tự như trên đã phân tích về ảnh hưởng tăng giá trực tiếp của việc áp thuế tự vệ so với ảnh hưởng tăng giá gián tiếp của việc sử dụng hạn ngạch, áp dụng biện pháp hạn ngạch sẽ khiến các DN NK trong nước “dễ thở hơn” so với áp dụng thuế tự vệ khi sản phẩm của họ trong phạm vi hạn ngạch vẫn đảm bảo được tính cạnh tranh; giúp đảm bảo tối đa quyền lợi của những DN NK này.
Thứ tư, việc đánh thuế quá cao thậm chí có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu trốn thuế, vốn đã đang tồn tại và gây nhũng loạn trên thị trường tôn thép Việt Nam hiện nay.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia khác liên tục bị kiện chống bán phá giá và điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (tháng 8/2012, Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia đe dọa sử dụng các biện pháp tự vệ; tháng 12/2016, Ủy ban chống bán phá giá của Indonesia đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đều đối với mặt hàng tôn mạ màu xuất khẩu từ Việt Nam...). Chính vì thế, việc áp thuế tự vệ với mặt hàng này NK vào Việt Nam càng phải thận trọng hơn trước khả năng bị các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ như là một biện pháp trả đũa.