Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực bán suy yếu đẩy chứng khoán châu Á tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu trên thị trường châu Á đi lên trong ngày 28/12 theo đà tăng điểm của Phố Wall nhờ nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.

Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,3%. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ghi nhận mức sụt giảm gần 4% trong tháng này.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite cũng nhích 0,3%.
Thị trường chứng khoán Australia tăng 0,6% và chỉ số KOSPI của  Hàn Quốc cộng 0,5%. Các cổ phiếu của chứng khoán Nhật Bản diễn biến trái ngược các thị trường khu vực, giảm 0,5% sau khi leo dốc gần 4% trong phiên trước đó.
 Chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong ngày 28/12.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, đảo ngược xu thế giảm mạnh trước đó trong phiên, đánh dấu phiên tăng thứ 2 liên tiếp sau phiên "rực lửa" trước lễ Giáng sinh.
Bán tháo đã trở lại Phố Wall vào đầu phiên, nhưng không thể duy trì cho tới hết phiên do sự thắng thế của lực mua. Diễn biến của phiên này khiến nhà đầu tư tin rằng áp lực bán đã đi đến hồi kết, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp diễn ra sau khi cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ có mức tăng phần trăm trong ngày mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ vào ngày 26/12. Trong vòng hai phiên thứ Tư và thứ Năm, chỉ số S&P 500 đã tăng được 5,9%, đánh dấu chuỗi hai phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2015 - thời điểm thị trường hồi phục sau khi giảm sâu vì nỗi lo kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P cùng chốt phiên trong trạng thái tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm nguyên vật liệu cơ bản.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 1,14%, đạt 24.138,82 điểm. S&P tăng 0,86%, đạt 2.488,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,38%, đạt 6.579,49 điểm.
Mặc dù vậy, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ hiện vẫn giảm hơn 9% trong tháng 12 này, trong đó S&P đang trên đà hoàn tất năm có mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ 2008.
David Katz - Giám đốc đầu tư của Matrix Asset Advisors, nhận định: "Thị trường đang ở trong trạng thái ‘điên’, cả theo chiều hướng tốt và xấu. Dù vậy, nỗi sợ hãi trên thị trường đã giảm xuống và hiện đã xuất hiện nỗi lo mất cơ hội".
Các nhà đầu tư cho rằng đợt trượt dốc thê thảm của Phố Wall trong tháng 12 này, trong đó Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường “con gấu” (đầu cơ giá xuống).
"Chắc chắn có những người nhận thấy cơ hội để mua, và họ xuống tiền. Nhưng cũng lại có những người xem đây là cơ hội để bán. Bởi vậy mà thị trường có sự giằng co", Giám đốc đầu tư Peter Jankovskis của OakBrook Investments nhận xét.
Giới đầu tư đang chuyển trọng tâm sang chờ đợi những tín hiệu mới về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và thận trọng về khả năng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục duy trì đà hồi phục vào đầu năm 2019. Chủ tịch FED Jerome Powell dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu vào ngày 4/1 tới.
 Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 27/12.
Theo các nhà phân tích thị trường, xung đột thương mại Mỹ - Trung, khả năng giảm tốc tăng trưởng lợi nhuận của các công ty Mỹ, và nguy cơ giảm tốc kinh tế toàn cầu được cho sẽ tiếp tục là những nhân tố khiến giới đầu tư ở Phố Wall lo ngại trong thời gian đầu của năm 2019.
Trên thị trường tiền tệ thế giới, các đồng tiền được nhà đầu tư lựa chọn làm kênh trú ẩn an toàn như đồng yen Nhật Bản và franc Thụy Sĩ đều tăng giá.
Tỷ giá đồng USD tiếp tục lao dốc so với yen Nhật, giảm 0,2%, xuống còn 1 USD đổi được 110,74 yen. Đồng bạc xanh sắp ghi nhận mức sụt hơn 2% so với đồng nội tệ Nhật Bản trong tháng này.
Đồng euro tăng giá so với USD, lên mức 1 euro “ăn” 1,1447 USD và đang hướng tới mức tăng 1% trong tháng 12.