Rau xanh, thực phẩm tăng giá
Lo ngại của người dân là hoàn toàn có cơ sở bởi trong những ngày qua, giá rau xanh kể cả các loại rau chính vụ Đông tại các chợ truyền thống đã đồng loạt tăng giá. Cụ thể, cải ngồng, cải xanh giá lên 20.000 đồng/kg; cải bắp loại ngon 12.000 đồng/kg; rau cần 7.000 đồng/mớ... Các loại súp lơ, su hào đang mùa thu hoạch, nhưng do thời tiết rét, rau chậm phát triển nên giá vẫn cao. Cụ thể, súp lơ loại nhỏ 13.000 đồng/cây, loại to 17.000 đồng/cây; su hào 7.000 đồng/củ. Chị Lan Anh, tiểu thương tại chợ Thành Công cho biết, giá rau tăng bởi trời lạnh, mưa, sương muối nên rau sinh trưởng chậm, thậm chí một số loại rau bị chết.
Không chỉ rau xanh, mặt hàng thịt lợn cũng tăng giá. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại, cụ thể giá lợn hơi trong đầu tháng 1/2018 phổ biến trong khoảng 27.000 - 35.000 đồng/kg kéo theo giá thịt lợn tăng 10 - 15% so với tháng 12/2017, hiện thịt đùi 78.000 - 80.000 đồng/kg, vai 72.000 - 75.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg… Dự báo đến thời điểm Tết, giá lợn có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.
Trong khi đó, giá gà công nghiệp bán ra tại trang trại ở mức 29.000 đồng/kg, gà Tam Hoàng ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg và gà ta dao động 55.000 - 65.000 đồng/kg. So với thời điểm cuối năm 2017, cả 3 loại gà trên đều tăng giá 20 - 30%. Đại diện Công ty Ba Huân dự báo, trừ gà công nghiệp có khả năng giảm giá vào một vài tuần cuối năm khi công nhân và học sinh nghỉ Tết, gà Tam Hoàng và gà ta vẫn giữ ở mức giá cao vì nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng lên.
Doanh nghiệp cam kết khóa giá
Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú: Trong dịp Tết, tâm lý người tiêu dùng là hàng thực phẩm phải tươi, sống nên siêu thị khó đáp ứng hết nhu cầu, vẫn phải phụ thuộc vào các chợ. Theo quy luật, từ Tết Ông Công Ông Táo, giá cả thị trường sẽ tăng nhanh 10 - 15%. nguồn hàng của siêu thị có hạn, còn hàng hóa ngoài chợ không ai ép giữ giá, giảm giá được. Cho nên, trong công tác điều hành giá cần một "nhạc trưởng" chỉ huy, tính toán điều hòa cung - cầu hợp lý. |
Bên cạnh đó, các DN bán lẻ cũng chủ động dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã triển khai dự trữ và kinh doanh 13 nhóm mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn giá của TP, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hapro còn ký hợp đồng với các DN sản xuất để sẵn sàng đưa hàng hóa về thị trường Thủ đô nếu xảy ra biến động về giá. Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh: Các DN phân phối bán lẻ xác nhận đã chốt giá với nhà cung cấp từ trước và phối hợp với nhà cung cấp chuẩn bị chuỗi khuyến mãi kéo dài từ tháng Chạp nên giá cả hàng hóa bán tại kênh phân phối bán lẻ hiện đại sẽ không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm mạnh. Những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhiều dịp Tết như thịt lợn, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ… bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng sẽ được giữ giá ổn định trước và sau Tết Nguyên đán.
Đại diện truyền thông của hệ thống siêu thị Big C Vũ Thanh Tân cũng cho hay, từ nay đến hết ngày 15/2 (30 Tết), siêu thị Big C triển khai cam kết "Khóa giá - niêm yết giá không đổi" đối với 11.300 sản phẩm hàng tiêu dùng ngay cả khi giá tham khảo của các sản phẩm này tại các siêu thị bán lẻ biến động tăng. Trường hợp giá các siêu thị bán lẻ biến động giảm, Big C sẽ điều chỉnh giá giảm để phù hợp với chương trình" - bà Vũ Thanh Tân nói.