Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bà hỏa” rình rập chợ dân sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, song chợ dân sinh vẫn chiếm số lượng lớn.

Hầu hết các chợ dân sinh được xây dựng từ cách đây hàng chục năm, thiết bị và phương tiện chữa cháy vừa thiếu về số lượng, vừa kém về chất lượng, ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) của đa số các tiểu thương còn hạn chế nên nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn thường trực.

Báo động về công tác phòng cháy chữa cháy

Những năm qua, tại Hà Nội đã xảy ra khá nhiều vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình như vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994 gây thiệt hại tài sản khoảng 130 tỷ đồng; chợ Nghệ (Sơn Tây) bị cháy sáng 18/12/2005 khiến 600 tiểu thương trắng tay; chợ Dịch Vọng bị "bà hỏa" hỏi thăm ngày 14/11/2008, thiệt hại gần 10 tỷ đồng… Gần đây nhất là vụ cháy chợ nhà Xanh (phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy) xảy ra vào ngày 16/12/2013 đã thiêu rụi hơn 20 gian hàng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng…
Ô bạt, mái che và các quầy bán quần áo lấn chiếm lối ra tại chợ Ngã Tư Sở.             Ảnh: Lê Đạt
Ô bạt, mái che và các quầy bán quần áo lấn chiếm lối ra tại chợ Ngã Tư Sở. Ảnh: Lê Đạt
Theo đánh giá, công tác PCCC tại các chợ ở Hà Nội, đặc biệt là các chợ cóc, chợ tạm tồn tại nhiều bất cập. Tại khu vực các chợ Ngã Tư Sở, chợ Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Thành Công B, Phùng Khoang, Hôm - Đức Viên..., việc chấp hành các quy định về PCCC luôn trong tình trạng đáng báo động. Các quầy kinh doanh sắp xếp tùy tiện, hàng hóa được chất đống nhiều tầng. Trong khi đó, khoảng cách giữa các gian hàng lại hẹp, không có lối thoát hiểm nếu xảy ra cháy. Thiết bị PCCC gồm bình xịt, máy bơm, trụ nước... tuy có nhưng lại đặt lộn xộn hoặc để lẫn với các đồ đạc khác. Chưa kể, trong số đó có nhiều thiết bị đã hoen rỉ, không sử dụng được. Mặt khác, một số thiết bị được lắp đặt ở những vị trí bất lợi, khi xảy ra sự cố không thể đáp ứng tức thời việc chữa cháy; các loại biển báo, nội quy PCCC được treo ở những vị trí khó quan sát...

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, chợ Ngã Tư Sở - được coi là "chợ vải, quần áo" có lượng người lui tới rất đông, nhưngnhiều hộ kinh doanh đồ ăn lại vô tư bày bếp than tổ ong để nấu nướng ngay cạnh các quầy bán vải. Hệ thống điện  đấu nối vào các quầy hàng, ki-ốt trong chợ rối như mạng nhện... Lối ra bị chiếm dụng làm nơi chứa hàng, nơi để xe thì chật hẹp, không đủ điều kiện lưu thông nếu xảy ra cháy. Nguy cơ xảy ra cháy nổ luôn thường trực, nhưng các ki-ốt, quầy hàng vẫn được sắp xếp "thêm" chắn hết lối ra vào. Chợ Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự, lối thoát hiểm bị chắn lộn xộn bởi hàng hóa, các bình chữa cháy vứt lỏng chỏng, thậm chí hết hạn sử dụng…

Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), toàn bộ hệ thống dây điện được thiết kế nổi chằng chịt mắc ngang dọc. Theo quy định của Ban quản lý chợ, mỗi ki-ốt chỉ được sử dụng một bóng đèn và một ổ cắm quạt nhưng tại các ki-ốt bán quần áo, vải, các tiểu thương đều đấu dây lắp thêm 3 - 4 bóng đèn và 2 - 3 ổ cắm điện. Nguy hiểm hơn, toàn bộ bình cứu hỏa lại không được bố trí tại các ki ốt bán hàng mà được để tập trung ở một vị trí. Tại chợ Hà Đông, một số cửa thoát hiểm thường xuyên bị các tiểu thương xếp hàng hóa kín mít. Bên cạnh đó, các khu vực tủ vòi dẫn nước chữa cháy ở tầng hầm luôn bị tổ trông giữ xe để xe máy, xe đạp kín lối vào...

Ban quản lý chợ “than” khó

Hôm 28/8 vừa qua, Đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC do Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội chủ trì đã đi kiểm tra tại chợ Hôm - Đức Viên và đưa ra kết luận: Ban quản lý chợ đã thực hiện tốt một số yêu cầu về PCCC như hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy hoạt động bình thường, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy đảm bảo theo quy định… Tuy nhiên, việc bố trí vật tư, hàng hóa lấn chiếm, cản trở lối ra thoát nạn, không đảm bảo chiều rộng hành lang thoát nạn theo quy định. Một số gian hàng bố trí vật tư, hàng hóa gây che chắn họng nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy. Khu vực hàng ăn tầng 1 vẫn có gian hàng sử dụng bếp than tổ ong ngay sát với khu vực để xe máy. Đặc biệt, hiện tại, với diện tích lên đến hơn 6.000m2 nhưng chợ Hôm - Đức Viên lại không được trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động mà vẫn báo cháy… bằng kẻng.

Trung úy Phan Cao Quang - Đội tuyên truyền Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, trong số 111 chợ đang hoạt động thì có khoảng 80% chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về PCCC, nhất là những chợ xây dựng trước năm 2000. Qua kiểm tra đã phát hiện phương tiện, lực lượng chữa cháy tại các chợ dân sinh vừa thiếu, vừa yếu. Bên cạnh đó, điều đặc biệt nguy hiểm là còn khá nhiều chợ vẫn chưa có hệ thống báo cháy tự động, mặc dù diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông.

Lý giải về điều này, Ban quản lý các chợ đều "than" là do thiếu kinh phí. Bà Nguyễn Thị Phương Cúc - Trưởng Ban quản lý chợ Hôm - Đức Viên cho biết, công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1993, thời điểm đó trong quy hoạch chưa có hạng mục hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Gần đây, Ban quản lý chợ cũng đã mời một công ty đến khảo sát để lắp đặt hệ thống báo cháy tự động nhưng chi phí quá lớn. "Theo quy định, chúng tôi chỉ có thể thu 200.000 đồng/m2/tháng, trung bình mỗi gian hàng đóng phí 500.000/tháng, chợ Hôm có khoảng 500 ô kinh doanh, tương đương số tiền thu được một năm là 3 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để lắp đặt hệ thống báo cháy tự động rơi vào khoảng 12 - 13 tỷ đồng" - bà Cúc nói.

Vậy, những giải pháp nào để nâng cao ý thức trong công tác PCCC đối với người dân tại các chợ dân sinh, khu chung cư cao tầng? Lực lượng chức năng đã có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn trong cuộc chiến chống "giặc lửa"? Vấn đề này sẽ được báo Kinh tế & Đô thị thông tin cụ thể trong số báo tới.