Bà Merkel đề nghị ông Putin giúp giải quyết khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin gây áp lực với Belarus để giải quyết tình hình ở biên giới với Ba Lan.

Tass đưa tin, ngày 10/11, Quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng với những người di cư ở biên giới Belarus với các nước Liên minh châu Âu.
 Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới. Ảnh: Reuters
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin và Quyền Thủ tướng Merkel đã xem xét về tình hình với những người tị nạn tại biên giới của Belarus với các nước Liên minh châu Âu (EU). Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan tâm về những hậu quả nhân đạo của cuộc khủng hoảng di cư.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết bà Merkel đã hối thúc Tổng thống Putin gây áp lực với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để giải quyết tình hình ở biên giới với Ba Lan.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước khi có cuộc gặp với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa và Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins, bà Merkel nhấn mạnh tình hình người tị nạn tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan hiện rất "đáng báo động”. Theo Quyền Thủ tướng Merkel, hiện vẫn chưa thể tìm ra một giải pháp nhân đạo cho cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan và Litva. 
Hơn 30.000 người di cư đã cố gắng vượt qua biên giới Ba Lan-Belarus kể từ đầu năm đến nay. Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan đã trở nên căng thẳng vào ngày 8/11. Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới, một số người trong số họ đã cố gắng lọt vào lãnh thổ của Ba Lan, phá vỡ hàng rào thép gai.
Ba Lan không muốn thu nhận những người tị nạn bởi sẽ tạo thành vấn đề an ninh nghiêm trọng ở nước họ cũng như ở biên giới của EU. Warsaw đã dựng lên hàng rào dây thép gai ở biên giới với Belarus và mong muốn châu Âu trả khoản tiền cho việc xây dựng "bức tường" kiên cố hơn để ngăn chặn người tị nạn. Ba Lan cũng áp đặt tình trạng khẩn cấp tại các khu vực giáp biên giới với Belarus, tăng cường lực lượng quân đội với hơn 10.000 người tại khu vực gần biên giới với Belarus trong bối cảnh cuộc khủng hoảng leo thang hiện nay.
Người phát ngôn Liên Hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric hôm 10/11 nói rằng Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đang theo dõi tình hình liên quan đến những người di cư mắc kẹt tại biên giới Belarus-Ba Lan, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề này không bao giờ được sử dụng nhằm mục đích chính trị.
Các nước EU cáo buộc Minsk cố tình làm leo thang khủng hoảng và kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng, chính các quốc gia phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng này, vì hành động của họ mà người dân đang chạy trốn khỏi chiến tranh.
Nga đổ lỗi cho EU gây ra cuộc khủng hoảng biên giới, cáo buộc liên minh không duy trì các giá trị nhân đạo của chính mình và cố “bóp nghẹt” Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới. Moscow cũng cho rằng EU áp biện pháp trừng phạt Belarus vì cuộc khủng hoảng này là không thể chấp nhận được.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, những người đã trở thành tị nạn do lỗi của phương Tây, gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược ở Trung Đông và Bắc Phi. Vì vậy, EU cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong tình hình với cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Ba Lan và Litva, và Brussels có thể giúp Minsk theo cách mà họ đã từng giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với những dòng người tị nạn./.