Nói thật lòng thì lúc đầu tôi và chị sui cũng không “xuôi chèo mát mái” gì cho lắm. Cũng là người mẹ nên tôi hiểu nỗi niềm của chị. Chị đã lao tâm khổ tứ thế nào để lo cho con cái nên người. Nhưng lấy vợ xong, người sống chung, gần gũi với con lại là tôi chứ không phải chị. Chị cảm thấy mình bị mất mát quá nhiều.
Hoàn cảnh của chị thật đáng để cho người khác kính trọng. Cha mẹ mất cùng một lúc vì chiến tranh khi chị là con đầu vừa tròn 18 tuổi. Một mình chị phải bươn chải nuôi 5 người em. Chị làm đủ thứ việc để lo cho các em, rồi dựng vợ, gả chồng. Cũng may, chị gặp được người đàn ông tốt, đã nghiêng vai gánh vác gia đình cùng chị.
Xong bổn phận với đàn em thì tới lượt lo cho 4người con. Gánh nặng đó đâu phải ai cũng chu toàn được. Cả 4 con của chị được ăn học nên người rồi ra riêng, đi khắp nơi để lập nghiệp. Khi con cái đã yên bề, chị vẫn phải vất vả đồng áng, vẫn phải “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” để dành dụm lo cho gia đình các con. Ở cái tuổi thất thập rồi mà chị vẫn phải ra đồng, lên rẫy, chi li, tằn tiện từng chút, chỉ để lâu lâu có chút gạo gửi cho đứa nầy, phụ chút tiền cho đứa kia. Lòng mẹ thật vô bờ bến.
Đáng tiếc là các cô con dâu của chị, trong đó có cả con cái của tôi, trẻ người non dạ không nghĩ đến tấm lòng của mẹ chồng, còn than thở, trách móc không thương cháu, không bỏ ruộng làng đề vào Sài Gòn giữ con giùm. Tôi nói với con gái tôi: “Ông bà không có bổn phận đó. Đã lớn, có chồng, con rồi thì hãy tự lo liệu chuyện gia đình mình. mẹ chồng con nuôi con khôn lớn đã quá vất vả, giờ có nhờ cậy được đứa nào? Mẹ chồng đã không bắt lỗi, bắt phải thì thôi, sao còn trách móc”.
Tôi cũng từng cảm thấy mất mát như chị khi con gái duy nhất của mình lấy chồng. Nhưng nhìn lại mình, tôi cũng biết ơn chị. Nhờ chị nuôi dạy mà tôi có được con rể biết điều, con gái tôi có người chồng tốt, các cháu tôi có người cha sống có trách nhiệm.
Ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây. Khi tôi bệnh, con rể một tay ra vào bệnh viện chăm sóc. Trong suy nghĩ của tôi vụt lên hình ảnh chị, đáng lẽ chị phải là người được chăm sóc chứ không phải tôi.
Năm tháng đi qua, có thêm cháu, chúng tôi đã hiểu nhau hơn, biết chia sẻ, bỏ bớt cho nhau. Từ cuộc hôn nhân bằng mặt mà không bằng lòng, chúng tôi trân trọng những gì mình đang có.
Tôi ước mong các con tôi có điều kiện lo cho chị để tuổi già chị không còn phải vất vả. Tôi cũng mong tất cả các nàng dâu thương yêu mẹ chồng, biết đối nhân xử thế để vun vén hạnh phúc. Đó là đạo lý. Con người sống không biết đạo lý làm sao dạy con được, làm sao xứng đáng làm cha, làm mẹ?...