Lễ hội văn hóa Ba Vì là lần đầu tiên, các nghệ sỹ quần chúng, các thành viên CLB bảo tồn văn hóa truyền thống của cả ba dân tộc Kinh – Mường – Dao của các địa phương như: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Cổ Đô, Cam Thượng và Thị trấn Tây Đằng. Các nghệ sỹ quần chúng, các thành viên CLB bảo tồn văn hóa truyền thống của cả ba dân tộc Kinh – Mường – Dao được tụ hội cùng một thời điểm trong một không gian văn hóa truyền thống. Các hoạt động này thể hiện sâu sắc kết quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống và công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Phát biểu tại Lễ hội văn hoá huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện Ba Vì được biết đến là một vùng bán sơn địa, thuộc Xứ Đoài, tức là phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Ba Vì là vùng đất cổ trong quần thể văn hóa Hùng Vương với bề dày truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc: "Với ba dân tộc chủ yếu là Kinh – Mường – Dao cùng sinh sống bao đời nay dưới dân núi Tản hùng vĩ, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện nhất quán, kiên trì phấn đấu xây dựng nông thôn mới ấm no giàu đẹp và văn minh".
Là lần đầu tiên tổ chức, Lễ hội văn hóa Ba Vì có sự tham gia của gần 600 diễn viên quần chúng là thành viên của các CLB bảo tồn văn hóa và dân ca dân vũ trên địa bàn cùng toàn thể Nhân dân, với quy mô và không gian còn khiêm tốn. Chương trình Lễ hội văn hóa Ba Vì năm 2023 với chủ đề “Ba Vì - âm vang vùng di sản”, với 3 phần: Âm vang Ba Vì – Di sản xưa, sức sống nay và hòa ca đoàn kết.
Mở đầu Lễ hội, các đại biểu và người dân tham gia Lễ hội được thưởng thức chút rượu cần. Một trong những nét ẩm thực, nét văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc nói chung, người Mường Ba Vì nói riêng, thể hiện sự đoàn kết một lòng, ấm áp tình dân tộc, đậm chất men say thật đáng để thưởng thức. Ở phần thứ nhất, Âm vang Ba Vì được thể hiện bằng màn trống hội với chủ đề Quê hương rộn rã của CLB Trống hội Tản Viên Sơn xã Cổ Đô và cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp và thanh âm của hòa tấu chiêng Mường qua màn diễn tấu “Âm vang tiếng gọi hồn quê”. Đây là lần đầu tiên, hòa tấu chiêng với số lượng trên 200 tay chiêng đến từ các xã miền núi, đông nhất từ trước đến nay.
Ở phần thứ 2, Lễ hội mang chủ đề: Di sản xưa, sức sống nay trong đó, màn Múa chuông là điệu múa không thể thiếu của người Dao Việt Nam nói chung, người Dao xã Ba Vì nói riêng được biểu diễn tại Lễ hội. Cụ thể, tại các lễ hội như Tết Nhảy, Cấp Sắc và các hoạt động cộng đồng khác, múa chuông vừa là loại hình nghệ thuật, vừa như một vũ khí tâm linh cùng 12 bài cúng để khai binh, xuất tướng… được người Dao Ba Vì lưu giữ.
Ở phần thứ 3, với chủ đề Hòa ca đoàn kết trong đó có màn múa sạp (nhảy sạp) đầy ấn tượng. Múa sạp là hoạt động giao lưu truyền thống của đồng bào địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ. Thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư.