Theo đó, lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh từ 19 giờ ngày 6/9 đến 7 giờ ngày 8/9 đạt 118,7mm. Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh ổn định, không có sự cố đê, kè, cống.
Toàn tỉnh không có thiệt hại về người. Về tài sản, có 560 nhà cấp 4, công trình phụ của nhân dân bị tốc mái; 31 trường học, chợ dân sinh bị hư hỏng, tốc mái. Toàn tỉnh có 8.209 ha lúa bị đổ, úng ngập; 555 ha cây rau màu bị thiệt hại; 80.000m2 nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng. Gần 7.500 cây xanh bị đổ, gãy; 42 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng.
Các sự cố sụt lún, nứt gãy mặt đê trên bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê tại vị trí K21+280, K21+400, K21+580, K21+700, K21+750, K22+030, K22+570, K22+820, K23+070, K23+920, K24+130; sự cố sụt lún, trượt mái đê trên bờ tả sông Ngũ Huyện Khê tại vị trí K22+180, K22+310, K23+450 thuộc địa bàn xã Long Châu, huyện Yên Phong... Sự cố đang được tiếp tục theo dõi và đề xuất phương án xử lý sau khi bão.
Về hạ tầng công trình điện có 7 đường dây 110 KV bị sự cố không vận hành được. Đối với trạm biến áp 110 KV: 1 trạm bị mất điện tại Khu công nghiệp Quế Võ 2; 127/280 đường dây trung áp bị sự cố, trong đó có 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp, 104/150 đường dây cấp cho dân sinh; 61 trạm bơm tiêu úng bị mất điện không vận hành được. Nhiều khu vực trong tỉnh đang mất điện từ 16 giờ 30 phút ngày 7/9 đến nay chưa có điện trở lại.
Mực nước các triền sông trong tỉnh đều đang ở mức thấp dưới báo động 1. Toàn tỉnh có 93/521 máy bơm đang hoạt động bơm tiêu và tiêu nước đệm theo quy trình.
Sau bão, sáng 8/9 trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa lớn diễn ra trên diện rộng. Các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt kịp thời tình hình sau bão để có biện pháp xử lý nhanh, kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì 4 đoàn kiểm tra ứng phó, xử lý khắc phục hậu quả bão số 3; đồng thời, yêu cầu các đơn vị thuộc Sở, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống và Nam Đuống tổ chức trực 100% quân số để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai do bão gây ra; chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi và tình hình tiêu úng của các trạm bơm.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh huy động các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân có phương án khắc phục sự cố, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Về sự cố điện, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Công ty Điện lực Bắc Ninh tiếp tục ứng trực toàn hệ thống với tinh thần cao nhất, tập trung khắc phục tối đa các sự cố do bão số 3 gây ra. Trong đó, tập trung đảm bảo điện cao nhất cho các bệnh viện, cơ sở sản xuất đặc biệt quan trọng, các trạm bơm, điểm mục tiêu thông tin truyền thông và an ninh quốc phòng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu lãnh đạo Công ty Điện lực Bắc Ninh có phương án bám sát trung tâm chỉ huy để chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Khi khắc phục được sự cố, đóng điện trở lại phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật, nhất là đảm bảo nguồn điện phục vụ hoạt động cho các điểm trọng yếu.