Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài bốn ngày, vì thế nhu cầu du lịch của người dân tăng đáng kể. Với những chính sách ưu đãi, giảm giá cùng nhiều sản phẩm mới mà các đơn vị tung ra trong dịp này, lượng du khách đặt tour, vé máy bay và khách sạn tăng mạnh.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn người tập trung tại nhiều địa điểm, trong khi đó các nước có đường biên giới giáp Việt Nam số ca mắc Covid-19 lại đang tăng mạnh.
Trước tình hình đó, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng nguy cơ dịch Covid-19 trở lại rất cao, dù chưa biết địa phương nào sẽ xảy ra dịch, đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ dài, mọi người di chuyển/đi lại nhiều.
Nhiều nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép
Hiện Việt Nam đã ghi nhận 2.833 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Có 10 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh) đã 71 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong khi đó, Hà Nội 67 ngày, Hải Phòng 61 ngày, Hải Dương 31 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát ổn định trên phạm vi cả nước trong vòng hơn 1 tháng qua. Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện giãn cách để đảm bảo phòng chống dịch như tại các nhà ga, sân bay, bến xe, lễ hội… Trong khi đó, các nước láng giềng chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc không ngừng gia tăng nhanh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng là bất kỳ lúc nào, bởi vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được phát hiện.
Đơn cử như, vừa qua các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc tại thành phố với 3 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, sau đó di chuyển về Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm 3 người gồm 1 nam, 2 nữ là lao động tự do tại Campuchia cùng nhập cảnh về Việt Nam qua đường tiểu ngạch gần cửa khẩu ở tỉnh Tây Ninh ngày 21/4/2021. Sau đó cả ba đến Thị trấn Tân Biên bắt xe taxi về Thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, xe chở 3 người vào 1 nhà nghỉ gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quá trình nói chuyện, tài xế taxi biết đây là 3 trường hợp nhập cảnh trái phép nên đã quay về Thị trấn Tân Biên khai báo y tế.
Hành khách phải đeo khẩu trang trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN) |
Nhóm ba người đi chuyến bay VJ134 ngày 21/4/2021 về đến sân bay Nội Bài lúc 9h10. Hai người nữ trong nhóm đi xe taxi về gia đình tại Định Hóa (Thái Nguyên) và đã được đưa vào Khu cách ly tập trung lúc 14 giờ cùng ngày. Một người nam còn lại đã tìm ra tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 25/4, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã phát hiện và bắt giữ 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Ngày 26/4, Công an xã An Phú, Ủy ban Nhân dân huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) phối hợp lực lượng chức năng liên quan đã bắt giữ 9 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 26/4, theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, lực lượng Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ 4 đối tượng nhập cảnh trái phép vào địa phận vùng biển thành phố Phú Quốc...
Tiềm ẩn dịch lây lan ra cộng đồng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định hiện nay công tác, phòng chống dịch “nóng” nhất là biên giới Tây Nam và khu vực Tây Nam bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cần tăng cường tầm soát, giám sát, phát hiện các ca nhiễm đồng thời lên kế hoạch xét nghiệm tại khu vực nguy cơ, đối tượng có nguy cơ. Như vừa qua Campuchia, Thái Lan đã phát hiện ca bệnh tại các khu giải trí, nơi tập trung đông người. Việt Nam cũng vậy, phải chú trọng xét nghiệm các khu vực nguy cơ, những nhân viên làm việc tại các khu vực có nguy cơ.
Tại Thái Lan, trong ngày 24/4 ghi nhận số lượng ca mắc mới Covid-19 với 2.839 ca và số người tử vong là 8 ca theo ngày, cao nhất từ trước tới nay. Lũy tích tới nay, tổng số các ca nhiễm là 55.460 ca, trong đó có 140 ca tử vong.
Tại Lào, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 88 ca mắc mới Covid-19; trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo, nâng tổng số ca nhiễm lên 323 ca.
Còn tại Campuchia, trong 3 ngày qua số ca nhiễm trong ngày đang có chiều hướng gia tăng, riêng trong ngày qua ghi nhận 511 ca mắc mới và 10 ca tử vong; trong đó có 9 ca ở thủ đô Phnom Penh, nâng tổng số ca mắc lên 9.359 ca và 71 ca tử vong.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay Việt Nam đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Vì vậy, nếu không quản lý tốt tình trạng này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng.
“Thực tế cho thấy nhiều nước dịch bùng phát là do nới lỏng kiểm soát. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc quản lý người nhập cảnh,” ông Phu khuyến cáo.
Theo ông Phu, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Theo các chuyên gia, những biến thể mới của virus SARS CoV-2 đang gây ra những điều khó đoán định và cả nguy cơ tái nhiễm mà dường như không thể ngăn chặn bằng vaccine.
Điển hình như Ấn Độ đang phải đối mặt với một thảm kịch quốc gia nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Từ ca khúc khải hoàn về kiểm soát dịch bệnh đến cảnh tượng hỗn loạn ở các bệnh viện cạn oxy và những thi thể chất đống tại các lò hỏa thiêu, tất cả chỉ diễn ra trong hơn 2 tháng.
Bài học từ kinh nghiệm xương máu tại Ấn Độ là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ấn Độ chưa bao giờ nghĩ rằng làn sóng thứ hai sẽ ập đến dữ dội như vậy chỉ trong vòng vài tháng, kéo theo tình trạng thiếu hụt thuốc men, vật tư y tế và giường bệnh không thể lường trước...
Chính vì vậy, ở mọi quốc gia, điều đầu tiên là người dân sẽ phải tự bảo vệ mình với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nếu không sẽ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh trầm trọng.
Cảnh giác khi 80% ca bệnh không triệu chứng
Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho hay trong các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, có gần 80% ca bệnh không triệu chứng, 20% biểu hiện nhẹ, chỉ 1% bệnh nhân thở ôxy.
Ông Khoa khuyến cáo dù các ca bệnh nhẹ nhưng cả người dân và ngành y tế tuyệt đối không được chủ quan. Bởi vẫn có nguy cơ bỏ lọt ca bệnh không triệu chứng khiến dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh sự thắt chặt kiểm soát của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần có biện pháp phòng dịch an toàn cho mình, nhất là trong dịp nghỉ lễ khi đến các điểm vui chơi hoặc nơi đông người.
Điều quan trọng lúc này là các bên từ các cơ quan quản lý đến người dân cần phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tuân thủ theo “Thông điệp 5K” cũng như theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã đưa ra.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp của các nước xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường cảnh giác trước các trường hợp nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, người dân cần thông tin ngay đến chính quyền địa phương. Người dân có người thân ở nước ngoài vận động không nhập cảnh trái phép, tuân thủ quy định của nhà nước khi nhập cảnh về nuớc để không mang nguy cơ cho gia đình và cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ rõ trong thời gian này, các quốc gia cần duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh hiệu quả như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, rửa tay, vệ sinh hô hấp và ho, tránh nơi đông người, và đảm bảo thông thoáng khí.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh dù đã tiêm chủng, người dân vẫn cần thực hiện phòng bệnh theo 5K. Bên cạnh đó, lợi ích lớn nhất của vaccine chính là giúp cá nhân được tiêm nếu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ mắc bệnh nhẹ, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong./.
Bộ Y tế đề nghị mỗi người dân Việt Nam thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Khẩu trang phải che kín mũi và không có khe hở giữa mặt và khẩu trang. Rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi đeo khẩu trang. Thực hiện tốt Thông điệp "5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" để phòng, chống dịch Covid-19. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. |