Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ chị dâu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ít lâu sau chị bảo tôi: “Út muốn làm thêm không, chị giới thiệu cho?”. Vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, dù không muốn nhưng tôi vẫn gật đầu.

KTĐT - Ít lâu sau chị bảo tôi: “Út muốn làm thêm không, chị giới thiệu cho?”. Vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, dù không muốn nhưng tôi vẫn gật đầu. Chở tôi đến chỗ làm, chị bảo: “Em chưa biết gì thì chịu khó làm những việc đơn giản, quen việc rồi chị sẽ giới thiệu việc khó hơn”.

Anh Hai tôi lấy vợ ở Sài Gòn. Chị dâu là con nhà giàu, quen sung sướng từ nhỏ. Mỗi lần hay tin chị sắp về chơi, cả nhà tôi phải một phen tổng vệ sinh từ nhà ra ngõ.


Dù chị rất bình dân nhưng nhìn nước da nõn nà, áo quần thơm phức của chị khiến ai cũng ngại ngần khi tiếp xúc. Giữa chị và chúng tôi như có một khoảng cách vô hình mà những lần về quê ít ỏi của chị vẫn chưa thể xóa hết.

 

Hay tin tôi đậu đại học, chị điện về bảo tôi khi nào nhập học thì lên ở với anh chị. Nhà tôi không khá giả nên dù rất ngại tôi vẫn phải làm theo lời chị. Anh Hai tôi vốn kỹ tính, tôi mới lên anh đã đưa tôi xấp tiền, bảo: “Mình là anh em ruột nhưng chị dù gì cũng là chị dâu, em đưa tiền này cho chị bảo ba má gửi chị phụ tiền ăn”. Tôi làm theo lời anh dặn. Chị cười xòa: “Em giữ tiền để mua sách vở, ba má khó khăn, anh chị còn chưa giúp được gì…”.
 

Ít lâu sau chị bảo tôi: “Út muốn làm thêm không, chị giới thiệu cho?”. Vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, dù không muốn nhưng tôi vẫn gật đầu. Chở tôi đến chỗ làm, chị bảo: “Em chưa biết gì thì chịu khó làm những việc đơn giản, quen việc rồi chị sẽ giới thiệu việc khó hơn”. Chị giao tôi cho người phụ trách mà chẳng “gửi gấm” gì khiến tôi bị “đì”, giao cho việc… chiên cá viên mời khách nếm thử. Tính tôi vốn nhút nhát, lại sĩ diện, nay phải làm cái việc xương xẩu này khiến tôi vừa ê mặt vừa giận chị cành hông. Tôi hay bị trưởng nhóm la vì cứ đứng núp ở góc cột không dám chường mặt ra ngoài. Có lần về tổng công ty thấy chị mặc vest, ngồi phòng máy lạnh, chỉ huy nhân viên răm rắp, ngẫm thân phận đứa bán hàng “la” cò con như mình tôi càng tủi. Tôi tự nhủ: mình phải ráng làm cho tốt, đừng để chị coi thường. Kiếm được ít tiền rồi mình sẽ dọn ra ngoài ở cho chị rảnh nợ.

 

Để tránh mặt chị, bất cứ thời gian nào rảnh tôi cũng nhận thêm việc để làm. Một thời gian sau, tôi được phong trưởng nhóm bán hàng, được tăng lương. Đến khi học môn nghệ thuật bán hàng, tôi thừa kinh nghiệm nên bài thi được đánh giá cao. Đến lúc này tôi mới biết, chị thực sự muốn tốt cho tôi.

 

Hết giận chị, tôi lân la vào bếp học chị nấu ăn. Ở nhà tôi nấu gì cũng bị má chê, ai ngờ lại được chị khen. Chị bảo: “Hồi bằng tuổi Út, chị đâu nấu ngon được vậy. Anh Hai em bị cao máu, em nêm lạt hơn chút là được”. Tôi biết tôi nấu chưa ngon, nhưng nhận xét rất tâm lý của chịkhiến tôi tự tin hơn rất nhiều; nhờ vậy mà tay nghề nấu nướng cũng được nâng cấp dần.

 

Khi tôi đưa người yêu về ra mắt, được chị khen, tôi rất mừng, vì tôi biết người được chị “chấm” nhất định sẽ không tệ. Khi tôi đi làm, nhờ chị chỉ bảo, tôi tránh được nhiều sai sót thường gặp của nhân viên mới. Nhờ vậy, tôi mau chóng thích nghi với công việc.

 

Tôi vừa lấy chồng được sáu tháng. Kết hôn không lâu nhưng tôi tin mình sẽ giữ được hạnh phúc gia đình vì tôi học được rất nhiều từ chị. Mỗi ngày tôi chăm chút từng bữa cơm để giữ chân chồng ở nhà. Tết đến, dù bận bù đầu nhưng tôi vẫn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, mua củ kiệu về làm. Má chồng tôi rất bất ngờ vì tôi làm món dưa kiệu vừa trắng lại giòn. Thấy tôi được mọi người thương yêu, khen ngợi, chồng tôi rất hãnh diện. Tôi vừa gửi email khoe với chị: “Chị Hai à! Nhờ học được chút ít bản lĩnh của chị, em làm dâu được bảy điểm lận đó, nhưng còn ba điểm nữa mới bằng chị”. Tôi tin chị sẽ hiểu tôi muốn nói: em cám ơn chị bấy lâu đã nhọc tâm dạy dỗ em nên người.