Bài học về cách mạng tự bảo vệ

Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 100 năm qua, lịch sử thế giới đã trải qua biết bao thăng trầm, khúc quanh khắc nghiệt, nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga, với những giá trị bất diệt, vẫn là sự kiện vạch sáng thời đại, vạch sáng tương lai.

Đúng 100 năm trước đây, ngày 7/11/1917, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga thắng lợi đã làm rung chuyển cả thế giới, bước đột phá chưa từng có, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). 
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và sự ra đời của nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới - Liên Xô đã làm cháy bừng lên ngọn lửa niềm tin trong một thế giới đầy rẫy khổ đau và bất công, cổ vũ mãnh liệt đối với hàng ngàn triệu người thuộc các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc, thực dân áp bức nô dịch, vùng lên đấu tranh tự giải phóng. Cùng với sự ra đời và phát triển của nhiều nước XHCN, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã trở thành một lực lượng có ảnh hưởng to lớn đến xu thế vận động của thời đại.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - tác giả cuốn sách “Nước Nga - Hành trình tới tương lai” tặng sách cho bà Natalya Valerievna Shafinskaya – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Ảnh: Thủy Tiên

Dù có những sai lầm, khuyết điểm đã dẫn tới sụp đổ, nhưng chế độ XHCN trên đất nước có diện tích bằng 1/6 địa cầu, đã cơ bản xóa bỏ nạn người bóc lột người, dân tộc lớn áp bức dân tộc nhỏ… Điều vĩ đại nhất, ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc nhất của Cách mạng Tháng Mười chính là ở chỗ đó!

Khúc quanh lịch sử kịch tính nhất, đau đớn nhất từ sau Cách mạng Tháng Mười đến nay chính là sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Việc duy trì quá lâu cơ chế quan liêu bao cấp đã làm phát sinh những căn bệnh nguy hiểm trong bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền như: Chuyên quyền, độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, trì trệ, bảo thủ... Thấy được nguy cơ đó, nhiều nước XHCN đã tiến hành cải tổ, cải cách. Nhưng trong quá trình này, một số nước đã tạo ra "những khoảng trống quyền lực" để cho một số thế lực chống CNXH đủ mọi màu sắc ngóc đầu dậy, tập hợp lực lượng tạo thành các loại âm binh, ra sức lôi kéo quần chúng Nhân dân bằng những khẩu hiệu mị dân, làm tê liệt và vô hiệu hóa bộ máy quyền lực và các công cụ quan trọng của chuyên chính vô sản.

Cải cách, cải tổ, thay đổi mô hình, sửa chữa khuyết tật là tất yếu. Nhưng bằng cải tổ, người ta đã đập tan ngôi nhà XHCN từ thượng tầng chính trị và tư tưởng đến hạ tầng cơ sở kinh tế. Cải tổ là tất yếu nhưng sụp đổ lại không phải là tất yếu nếu có đường lối đúng, không xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Việc mất chính quyền dẫn tới sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trở thành bi kịch thời cuộc. Bước trầm này của lịch sử càng cho thấy lời dạy của V.I.Lênin từ ngày đầu cách mạng đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự: giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều! Người cũng đã từng chỉ rõ: "Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ".

Đối với Việt Nam, bài học “tự bảo vệ” được rút ra là cùng với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân thì phải hết sức coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là vấn đề có tính sống còn.

Từ bài học của Liên Xô và Đông Âu đã thấy rõ không thể giữ vững thành quả cách mạng nếu kinh tế không phát triển, đời sống Nhân dân không được cải thiện, xã hội mất dân chủ, thiếu kỷ cương và đặc biệt là đảng cầm quyền sai lầm về đường lối, đảng viên suy thoái về chính trị và tư tưởng. Và lực lượng vũ trang bị phi chính trị hóa, báo chí truyền thông thiếu định hướng, kích động xã hội... Đặc biệt, Đảng muốn giữ được vai trò lãnh đạo thì phải trong sạch vững mạnh, phải gắn bó với Nhân dân, luôn đặt lợi ích của đất nước và Nhân dân lên trên hết.

Chính từ bài học kinh nghiệm xương máu đó, Đảng ta đã đề ra những đường lối, bước đi thích hợp, đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Từ Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XI đến Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII đều tập trung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Với tinh thần đó, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được đẩy tới với một mức độ kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Nhiều vụ đại án đã được phát hiện và đưa ra xét xử một cách nghiêm minh, được dư luận đồng tình và từng bước khôi phục niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi và có ý nghĩa như hội thảo khoa học, tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ, biễu diễn nghệ thuật… đặc biệt là một đợt tuyên truyền sâu rộng trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Nhận thức và tình cảm của người Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười, đối với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay là vô cùng sâu sắc. Điều đó thể hiện sáng ngời bản lĩnh, ý chí, sự thủy chung son sắt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với lý tưởng cao đẹp và giá trị lịch sử bất diệt của Cách mạng Tháng Mười. Đó mãi mãi là ánh sáng trên con đường đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam.