Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học về sự tôn trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chồng đi làm về muộn, thay vì chỉ bảo "hôm nay anh lại về muộn", chị Liên lại ném vào chồng toàn những lời cay độc, chị trách chồng chỉ biết có chơi rồi về nhà nhởn nhơ như "ông hoàng".

 Nghe thế, chồng chị cũng gân cổ quát vợ chỉ giỏi cằn nhằn, sai khiến chồng, chứ chẳng được tích sự gì. "Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại", ngày nào cũng vậy, hai người cứ tự đổ thêm dầu vào lửa làm cho cuộc cãi vã trở thành trận chiến miệng. Anh chị có thể cãi nhau vì bất cứ lý do gì, thậm chí vì những điều rất nhỏ nhặt. Gia đình dường như lúc nào cũng có sẵn "mồi lửa" để nhóm lên những trận cãi vã, có khi chỉ vì một thông tin trên tivi hay những chuyện đâu đâu.

Từ nhiều tranh cãi bắt đầu kiểu như: "Anh để quần áo không đúng chỗ", "Em quên mua sữa cho con"… thế nhưng họ "xé" vấn đề ra rất to và mở rộng phạm vi sang la liệt những bất đồng khác. Chính cách sống ấy làm cho không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề và những đứa con cũng bị ảnh hưởng...

Một công trình nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra, kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình không phải là sự khó khăn về kinh tế hay thiếu chung thủy vợ chồng mà lại là những cuộc cãi vã thường xuyên. Thực tế cũng được chỉ ra, không ít các cuộc xung đột đã biến thành mạt sát, xúc phạm nhau bởi nhiều cặp vợ chồng cứ cãi nhau là buông lời đụng chạm tới bố mẹ hoặc gia đình bên kia. Nhiều lần cảm thấy bị xúc phạm, rồi chính họ cũng không còn thấy cần phải tôn trọng nhau nữa. Từ những người có học, họ vô tình biến nhau thành người không có văn hóa.

Người ta thường nói "lời nói là gói vàng", nhưng lời nói cũng là "đọi máu". Thế nên, tranh cãi sao cho vợ chồng thêm hiểu nhau, gia đình êm ấm cũng là cả một nghệ thuật, một kỹ năng sống cần tìm hiểu. Trong đó, điều đáng lưu tâm nhất là không nên dùng lời lẽ xúc phạm đến những điều hệ trọng như nhân cách, bố mẹ, uy tín, nghề nghiệp của nhau. Đừng vì tức giận, không kiềm chế mà ném vào nhau những lời nói xúc phạm. Vết thương trên da thịt dễ lành, còn vết thương lòng cần rất nhiều thời gian và công sức mới hàn gắn được. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều áp lực dễ khiến con người vào tình trạng nóng giận. Tuy nhiên, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, những người vợ, người chồng rất cần kỹ năng để kiểm soát cơn nóng giận của mình. Cãi nhau cũng như gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nếu biết cách, các cặp vợ chồng sẽ còn làm bền chặt hơn nữa chất keo gắn kết hạnh phúc gia đình mình.