Hãy khoan bàn đến cơ chế chia tiền cho các đội bóng của VPF. Rằng, chia tiền theo tỷ lệ góp vốn hay thứ hạng không quan trọng bằng việc, VPF sẽ tiếp tục có lãi hay không trong mùa giải mới?
Người ta nhẩm tính rằng, số lãi của VPF trong mùa giải vừa qua lên đến 30 tỷ đồng. Nhưng, bản thân các quan chức VPF vẫn chưa thể xác định được, bao giờ những khoản lãi đó sẽ chảy vào tài khoản của công ty mình. Đến giờ, VPF mới chỉ nhận được lời hứa miệng từ các đơn vị bảo trợ là sẽ tiếp tục gắn bó bất kể bầu Kiên bị bắt. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, hợp đồng giữa VPF và các doanh nghiệp vẫn chưa chính thức được ký kết. Thế nên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, chẳng ai có thể dám chắc, các doanh nghiệp sẽ đồng hành lâu dài cùng VPF để tạo ra thặng dư lợi nhuận cho công ty này.
Còn một chi tiết nữa mà ít người biết đến, là hiện còn 6 đội bóng vẫn chưa chịu đóng tiền cổ phần. Bản thân VFF trước đây và VPF bây giờ cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ các đội bóng. Đến giờ, nền kinh tế có nhiều khó khăn, các đội bóng lại càng có xu hướng thích "nợ tiền". Vậy nên, cơ sở để VPF tính lãi ở mùa giải tới đang bị xem là rất mong manh.
Lúc này, điều mà VPF đang lo lắng nhất chính là nhà tài trợ Eximbank có quyết định tiếp tục gắn bó với V-League nữa hay không? Hợp đồng giữa Eximbank và VFF có thời hạn 3 năm và đã thực hiện được 2/3 quãng đường. Trên lý thuyết, Eximbank sẽ tiếp tục thực hiện nốt những gì mà mình đã cam kết. Nhưng, trong bối cảnh hiện tại, chưa ai dám chắc ngân hàng này sẽ tiếp tục đồng hành cùng V-League. Nếu Eximbank thoái lui giống như cách họ đã làm với VFF Cup thì VPF sẽ mất đi khoản tiền lên đến 36 tỷ đồng. Mà, giữa cuộc khủng hoảng tài chính, để tìm một doanh nghiệp chịu chơi và chịu chi như Eximbank thật không dễ dàng.
Có cảm giác, VPF đang lấy những cơ sở cũ để xây dựng cho mình một bản kế hoạch tài chính mới. Bức tranh có phần lạc quan mà VPF vẽ lên dường như không tính đến việc, các đội bóng đang gồng mình trong "cơn bão" tài chính. Với nhiều đội bóng, được "tồn tại" giữa thời buổi thóc cao, gạo kém như lúc này đã là một diễm phúc chứ nói gì đến việc tung tiền mua danh như trong quá khứ. Thế mới có chuyện, nhiều đội bóng kêu gọi VPF thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, thậm chí, hoãn giải để các ông bầu lo kiếm tiền nuôi bóng đá.
Vậy nên, sẽ là quá sớm và có phần mạo hiểm nếu đưa ra những viễn cảnh có phần viển vông về tài chính ở VPF. Lúc này, điều cốt tử đối với VPF là làm sao thấu hiểu với hoàn cảnh các đội bóng, tìm mọi cách để giúp họ vượt qua thời khắc định mệnh này.