Trong tương lai rất gần, hoạt động khai thác của ngành Than Việt Nam sẽ chủ yếu ứng dụng công nghệ hầm lò. Tỷ lệ than khai thác bằng công nghệ hầm lò trước đây chỉ chiếm khoảng 30%, nay sẽ tăng lên 51% vào năm 2014 và 65% vào năm 2020, nghĩa là tổng sản lượng than hầm lò từ nay đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 11 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu lao động cho khai thác than hầm lò sẽ ngày càng tăng cao.
Lời cảnh báo
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo với thực tế “khủng hoảng” thiếu thợ lò như hiện nay, ngành Than sẽ không có đủ nguồn nhân lực để bảo đảm cho chiến lược phát triển trên.
Trong những năm vừa qua, TKV và các DN thành viên đã đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ công nhân mỏ hầm lò. Rất nhiều giải pháp về thu nhập, phúc lợi, điều kiện làm việc,… đã được thực hiện để thu hút học sinh theo học nghề mỏ hầm lò cũng như giữ chân thợ lò.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm-Vinacomin Bùi Xuân Lâm chia sẻ: Học sinh khi đến học 3 ngành nghề chính là kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò, sẽ được miễn phí 100% tiền học; được bố trí ăn, ở, ngủ nghỉ miễn phí tại ký túc xá. Trong thời gian thực tập tại các DN, các học viên cũng được trả lương và hưởng các chế độ đãi ngộ như công nhân và khi ra trường được bố trí ngay công ăn việc làm tại các DN trong Tập đoàn.
Tuy nhiên, dù cơ chế ưu đãi đối với học sinh nghề mỏ là rất lớn, đồng thời bản thân các trường cao đẳng nghề mỏ, các công ty than đã rất nỗ lực trong việc tuyển sinh, song kết quả thu hút học viên không đạt kế hoạch, nhất là trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Trưởng Ban Lao động Tiền lương TKV Trần Văn Cừ cho biết: Từ năm 2011 đến nay, tuy số lượng tuyển sinh năm sau có cao hơn năm trước nhưng vẫn không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Riêng năm 2013, kết quả tuyển sinh là kém nhất từ trước đến nay, bằng 69,6% so với năm 2012 và chỉ đạt 51,3% so với kế hoạch. 9 tháng đầu năm 2014 cũng ước tính chỉ đạt 32% so với kế hoạch dự kiến (2720/8600). Tỷ lệ học sinh bỏ học ngay trong quá trình học tại trường cũng ngày càng gia tăng (năm 2010 là 12,8%, thì năm 2013 là gần 17%). Một điều đáng chú ý nữa là địa bàn tuyển sinh truyền thống cho các nghề mỏ hầm lò chủ yếu là từ các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ thì nay lại là nơi TKV đang mất dần “trận địa”.
Nguyên nhân đã rõ
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Trần Văn Cừ đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động ở nước ta hiện nay khi sức hút lao động tại chỗ của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng mạnh hơn, dẫn đến việc người lao động thà chịu thu nhập ít hơn, nhưng được làm việc gần nhà, lại nhàn hơn nghề thợ mỏ; thêm nữa, nghề mỏ rất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, đây dường như chỉ là sự lựa chọn cuối cùng của các học sinh khi xác định nghề nghiệp.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Trần Văn Cừ cho rằng việc tuyên truyền định hướng nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh được triển khai chưa hiệu quả. Học sinh chưa được hướng nghiệp, chưa thực sự hiểu rõ điều kiện làm việc của nghề mỏ, nên dẫn tới tâm lý ngại chọn nghề mỏ, hoặc đã vào học lại tìm cách bỏ học…
“Nếu không sớm có chiến lược và các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này thì chắc chắn sắp tới TKV sẽ không có đủ nguồn nhân lực đáp ứng cho quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, nhất là theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Cừ quả quyết.
Chỉ nỗ lực của ngành Than chưa đủ
Để giải khắc phục tình trạng trên, TKV và các DN trực thuộc, ngoài việc tiếp tục duy trì chế độ cấp 100% học bổng cho học sinh học 3 nghề mỏ hầm lò, cần duy trì việc xét thưởng thành tích học tập cho học sinh học nghề, hỗ trợ tiền vé xe đi, về nhà cho học sinh trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ tết.
Các đơn vị sản xuất, xây dựng mỏ hầm lò tiếp tục chủ động, phối hợp tốt với các trường trong việc tổ chức cho học sinh về thực tập sản xuất tại DN, để các em không chỉ được rèn luyện kỹ năng, tay nghề mà còn luôn biết yêu nghề, gắn bó với nghề.
Với thợ lò, cần tiếp tục nâng cao đời sống, cải thiện thêm nữa điều kiện làm việc, trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa đào lò và khai thác than. Các công ty than hầm lò đầu tư thiết bị vận chuyển người từ cửa lò vào gần vị trí làm việc; tăng cường việc thông gió, quản lý khí, chống bụi, khắc phục lầy lội, làm tốt vệ sinh công nghiệp trong hầm lò để cải thiện hơn nữa chất lượng môi trường lao động. Bên cạnh đó là làm phong phú thêm sinh hoạt văn hóa, tinh thần...
Tuy nhiên chỉ nỗ lực riêng của ngành Than là chưa đủ. Để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp và toàn xã hội; nhất là Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ ngành Than đủ sức vượt qua cuộc “khủng hoảng” nhân lực như hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin Lê Minh Chuẩn cho biết: Ngoài những giải pháp như nâng cao chế độ lương thưởng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phương tiện đi lại, làm việc cho công nhân, chúng tôi đang suy nghĩ đến việc đầu tư nhà ở cho cả gia đình thợ lò. Ngoài ra, chúng tôi đã đề nghị với Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh những quy định về thâm niên, tuổi nghỉ hưu của người thợ lò…
Nếu giải quyết đồng bộ những giải pháp trên, chắc chắn những khó khăn về nhân lực ngành Than sẽ dần được khắc phục.
Lớp Cơ điện của Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm. Ảnh: VGP/Yến Linh
|