Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán hàng đa cấp: Kinh doanh núp bóng thương mại điện tử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, mô hình kinh doanh trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển, lợi dụng điều đó, nhiều doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu mượn danh TMĐT để bán hàng đa cấp "lừa tiền" các hội viên tham gia.

Lợi nhuận không từ bán hàng

Trang TMĐT muaban24.vn (Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến), trụ sở tại khu biệt thự C8 Mỹ Đình, Từ Liêm quảng cáo: Mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2011 nhưng thu hút hơn 8.000 thành viên, kinh doanh hàng nghìn mặt hàng khác nhau… đây là cơ hội để mọi người nhanh chóng trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, trái ngược với lời quảng cáo, lượng hàng bán trên website ít so với các trang mua bán trực tuyến khác; Quá nửa số gian hàng đều bỏ trống, không có sản phẩm nào rao bán.

Những thành viên kinh doanh trên trang web này cho biết: Việc kinh doanh chỉ là phụ, chủ yếu nhờ tiền hoa hồng từ việc giới thiệu người khác. Theo quy định muốn là hội viên, phải bỏ ra 5.200.000 đồng để thuê một gian hàng, nếu giới thiệu 2 người tham gia sẽ được nhận 1.500.000 đồng/người (trích từ số tiền 5.200.000 đồng/người nộp khi mua gian hàng). Khi hệ thống đó phát triển thành 2 nhánh, mỗi nhánh có 99 gian hàng sẽ được thưởng 80 triệu đồng; Được hưởng phần trăm gián tiếp nếu những người dưới họ lôi kéo được người khác mua gian hàng…

Không chỉ muaban24.vn mới có kiểu kinh doanh này mà còn có khá nhiều công ty lấy danh nghĩa làm TMĐT để kinh doanh đa cấp biến tướng, trá hình như: Tâm mặt trời (emt.vn), Sao Việt (gso-media.com), shop360.com.vn...

Tiền mất, tật mang

Quảng cáo là vậy, nhưng nhiều thành viên sau thời gian ngắn tham gia vào trang này do kinh doanh không có lãi, không kêu gọi được thêm hội viên đã phải từ bỏ sàn giao dịch. Thế nhưng, số tiền 5.200.000 đồng phí đăng ký gian hàng lại không đòi được, bởi đã được ăn chia dựa vào số tiền hoa hồng khi giới thiệu và một phần trừ vào phí duy trì dịch vụ của công ty và trả cho các thành viên VIP. Bức xúc về vấn đề này, nhiều thành viên đã tố cáo lên cơ quan chức năng.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân tố cáo việc các doanh nghiệp lợi dụng TMĐT để kinh doanh đa cấp, lừa đảo hội viên. Quý I/2012, hơn 100 người dân tỉnh Cà Mau đã đến cơ quan công an tố giác Công ty CP thương mại Sơn Quang Vinh (60/1A Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM) là DN quản lý, khai thác sàn TMĐT www.vietinmora.com có dấu hiệu lừa đảo hơn 6.000 hội viên với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) khẳng định: Cục chưa cấp đăng ký tổ chức sàn giao dịch TMĐT cho muaban24.vn, bởi đây là một mô hình kinh doanh phức hợp, không phải sàn giao dịch TMĐT.

Điều đó cho thấy, muaban24.vn đã có dấu hiệu của hình thức bán hàng đa cấp trá hình bởi theo ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng: Loại hình kinh doanh này không mang lại giá trị từ việc mua bán trực tuyến cho các thành viên tham gia.

Để khắc phục những yếu điểm này, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với cơ quan pháp luật hoàn thiện văn bản pháp lý, quy định chi tiết việc thực thi các mô hình thương mại điện tử ở Việt Nam. Trong đó, một số phương thức kinh doanh online có thể được hoạt động hoặc phải dừng lại.  Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc hậu kiểm sau khi sàn GDĐT đi vào hoạt động, tránh tình trạng "thả gà ra đuổi" như hiện nay.

Quy định pháp luật về TMĐT hiện còn nhiều khoảng trống, mới chỉ có Thông tư số 46/2010/ TT- BCT, quy định trách nhiệm của các DN tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT. Nên khi xảy ra tranh chấp, thông tư này lại không khẳng định chủ website có phải chịu trách nhiệm hay không.