Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn cơ chế tính giá đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 17/9, tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, nhiều vấn đề lớn vấn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy hoạch, giá đất, cơ chế thu hồi, thế chấp...

Không bồi thường khi thu hồi đất vi phạm 

Điểm mới đáng chú ý tại dự án luật lần này là việc bổ sung quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như "sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền". Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cũng được kéo dài lên 50 năm.

Đặc biệt, quy định tại dự luật đã đổi mới theo hướng Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch. Sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đưa ra đấu giá QSDĐ để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Băn khoăn cơ chế tính giá đất - Ảnh 1
Chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện thu hồi đất để phát triển cơ sở hạ tầng cần được quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn, tránh khiếu kiện kéo dài. Ảnh: Đình Huệ
 

Nhất trí với quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo quy hoạch để tạo quỹ đất sạch vì khả năng nguồn ngân sách chi trả cho việc này có hạn. 

Về cơ chế đền bù, hỗ trợ với trường hợp thu hồi đất do vi phạm, dự thảo luật quy định không bồi thường về đất và tài sản đã đầu tư trên đất thuộc trường hợp bị Nhà nước thu hồi do vi phạm nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm hơn; hạn chế tình trạng chạy dự án vì mục đích đầu cơ. Đây là vấn đề nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) và UBTVQH. 

Giá đất thế nào là phù hợp với thị trường?

Một nội dung được người dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo luật lần này là giá đất. Dự thảo quy định, nguyên tắc định giá đất "do Nhà nước quyết định, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường". UBND cấp tỉnh xây dựng giá các loại đất tại địa phương theo định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ; trong trường hợp giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm 30% so với công bố, phải xem xét điều chỉnh. 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: Giá đất chính là một trong những điểm nút quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay, song dự thảo luật lần này lại đưa ra nguyên tắc còn mơ hồ hơn "hợp lý, phù hợp", như thế không những không cởi được nút thắt, mà còn gây tranh cãi nhiều hơn. 
 
Băn khoăn cơ chế tính giá đất - Ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần đặc biệt lưu ý đến các quy định về sở hữu, về quyền đại diện chủ sở hữu và quyền định đoạt của Nhà nước về đất đai, sự phân cấp quản lý của chính quyền địa phương sao cho phù hợp với nội dung Hiến pháp sẽ sửa đổi. Hơn nữa, dự thảo luật có xu hướng "dồn quá nhiều trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ; chưa phù hợp với quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng". 

Quan ngại về nguyên tắc định giá đất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Không thể chỉ nói một câu là "phù hợp với giá thị trường" vì rất mơ hồ và không thể có nguyên tắc đó được. "Thị trường lúc định giá hay lúc thu hồi, đấu giá, tính trên quy hoạch sử dụng đất hay quy hoạch xây dựng dự án, khi anh đền bù thì trả cho dân theo giá mới hay giá trên sổ?", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh và chỉ ra hàng loạt bất cập như: "Từ lúc định giá đến lúc đền bù là khác nhau lắm rồi, nên phải có nguyên tắc gì để định giá chứ không thể nói theo thị trường. Phải tính trọn gói cho dân, tôi đang định trồng lúa 50 năm, anh lấy đất thì phải trả đủ cho tôi giá trị thu nhập trong 50 năm, không thể nói gọn một câu như luật cũ".
 
 
Băn khoăn quy định quyền thế chấp ở ngân hàng nước ngoài

Thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn cũng là một nội dung còn gây tranh luận. Dự thảo luật quy định cho phép tổ chức sử dụng đất thế chấp QSDĐ và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Việc thế chấp phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đây là vấn đề mới chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng và tính đến hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức vay không trả được nợ, ngân hàng nước ngoài xử lý tài sản thế chấp như thế nào. Do đó, đề nghị chưa nên quy định vấn đề này trong dự án luật, mà giao cho Chính phủ quy định rõ tiêu chí và xác định cụ thể các trường hợp được thế chấp, để báo cáo UBTVQH quyết định.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét có nên bỏ quy hoạch cấp xã. Bởi đây là vấn đề dễ nảy sinh ra dự án treo. Làm rõ hơn quyền, hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất.
 
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm nay và dự kiến thông qua vào giữa năm 2013.
 
 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều. So với Luật Đất đai năm 2003 tăng thêm 6 chương và 44 điều. Hai chương mới được bổ sung là quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai và hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó xác định, đất đai vẫn chỉ có một hình thức sở hữu duy nhất là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.