Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn về mức phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bổ sung một số quy định liên quan đến xoá nợ thuế.

Điều 27 quy định ngân hàng (NH) thương mại có nhiệm vụ, trách nhiệm cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản. Nội dung này đã được tiếp thu chỉnh lý so với ý tưởng ban đầu, theo hướng thu hẹp quyền được cung cấp thông tin tài khoản khách hàng, như số tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư, mã số thuế của người nộp thuế. Đa phần ý kiến tán đồng động thái cầu thị của cơ quan soạn thảo khi đã kịp thời sửa đổi các nội dung có khả năng vi phạm quy định về bảo mật thông tin và tăng gánh nặng nhiệm vụ cho NH.

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường Quốc hội 
Về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59). Nhiều ý kiến cho rằng tiền nộp chậm chỉ 0,03%/ngày là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm. Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho biết, trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày). Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 87), Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người đi thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế. Có ý kiến đề nghị không nên quy định trường hợp đặc biệt thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mà cần quy định mức trần xóa nợ thuế cho Bộ Trưởng Bộ Tài chính, trên mức trần này do Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ thuế. 
UBTVQH cho biết, Tại khoản 1 Điều 87 của dự thảo Luật đã quy định: Đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nội dung này là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành. 
Đối với các trường hợp khác còn lại, cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh dự án Luật theo hướng:  Mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm; Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, thảo luận ở hội trường, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, cơ quan thu thuế và Chính phủ là người chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thu và chi thuế theo quyết định của Quốc hội thì không thể được giao quyền xoá nợ thuế. “Các bản án quyết định của toà án giao cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án trình Quốc hội ở nhiệm kì trước, Quốc hội còn không xoá thì tại sao lại đi giao xoá nợ thuế một nguồn vô cùng quan trọng có ý nghĩa quốc gia cho Chính phủ cũng như các cơ quan thuế”- đại biểu đặt câu hỏi.