Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán lẻ phục hồi, cho vay tiêu dùng tăng trở lại

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những tín hiệu tích cực trong quý I/2022, các chuyên gia tài chính nhận định, khi nền kinh tế dần phục hồi, cho vay tiêu dùng là ngành có nhiều cơ hội bứt phá.

Kích cầu tín dụng tiêu dùng

Để mua một chiếc xe máy cho con đi học, chị Nguyễn Thanh Hồng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) định vay thêm 20 triệu đồng khi trong tay đã có 20 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng chị chỉ cần chi trả chưa tới 2.000.000 đồng, khoảng hơn 1 năm chị sẽ trả hết số nợ này.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Thời buổi dịch bệnh, để tích lũy đủ tiền mua xe máy sẽ rất lâu, ảnh hưởng đến việc học tập của các con. Việc mua trả góp sẽ giúp các con có phương tiện học tập tốt, đồng thời số tiền hằng tháng chi trả cũng nằm trong khả năng tài chính của gia đình, nên tôi thấy rất hợp lý” - chị Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.

Anh Phạm Quang Huy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có nhu cầu vay tiêu dùng khoảng 20 triệu đồng để phục vụ chi phí sinh hoạt trong gia đình. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của gia đình giảm một nửa nên hình thức này giúp anh đảm bảo được chi phí thuê nhà, sinh hoạt và cả tiền học phí cho các con.

Dịch vụ cho vay tiêu dùng chủ yếu là hình thức vay mua đồ điện tử, gia dụng, xe cộ, hoặc vay tiền mặt… Ngoài ra, nhiều người cũng tiếp cận đến các hình thức cho vay mới như chăm sóc sức khỏe, chi phí học tập hay thẻ tín dụng.

Năm 2022, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng… dần mở cửa trở lại. Nhu cầu vay tiêu dùng theo đó được kỳ vọng tăng mạnh. Người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.

Để quay trở lại "đường đua", lãnh đạo FE Credit chia sẻ, đơn vị đã bắt tay với Ubank - một ngân hàng số để cung cấp khoản vay cho khách hàng một cách nhanh nhất, đồng thời đáp ứng nhu cầu trải nghiệm mới của người dùng. FE Credit triển khai gói cho vay lãi suất 2,33%/tháng, hạn mức đến 70 triệu đồng, thời gian vay 6 - 36 tháng. Bên cạnh đó, công ty sẽ tăng cường kênh bán hàng trực tiếp để tiếp cận người lao động của các DN đã đăng ký và DN phi chính thức, từ đó tạo cơ sở cho vay theo lương.

Tại HD Saison, người tiêu dùng vay mua trả góp xe Honda Winner X được hưởng lãi suất 0% và thời hạn vay lên đến 18 tháng. Khách hàng chỉ cần đến hệ thống cửa hàng Honda Việt Nam trên toàn quốc, và cung cấp căn cước công dân gắn chip điện tử là có thể được công ty cho vay trả góp. Với những mẫu thông dụng của các hãng xe khác, lãi suất là 1,37%/tháng và giá trị khoản vay lên đến 200 triệu đồng.

Không chỉ FE Credit, HD Saison, Home Credit, để kích cầu tín dụng tiêu dùng trong thời gian hậu Covid-19, hầu hết các công ty tài chính, ngân hàng đều cung cấp những gói tín dụng không tính lãi suất, nhưng sẽ tính phụ phí và phí trả chậm. Đối với khách hàng vay tiêu dùng, vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh của BIDV, lãi suất giảm chỉ còn từ 6,4%/năm trong 6 tháng đầu tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và từ 6,6%/năm đối với các địa bàn khác.

Hỗ trợ tăng tổng cầu

Trong tháng 2/2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ đã có và sẽ tiếp tục một số gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chính phủ cũng chủ trương phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm tín dụng đen.

Theo TS Cấn Văn Lực, nhu cầu, định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân của tổ chức tín dụng cùng với định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng chia sẻ, đơn vị xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày, khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng. Đồng thời, Agribank cũng dành 20.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi 6,5 - 7%/năm, với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng là 12 tháng kể từ ngày giải ngân.

Trong khi đó, HDBank triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua ngân hàng số, như: Vay trực tuyến duyệt hồ sơ qua App HDBank, phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng HDBank..., giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch mà không phải đến các phòng giao dịch của ngân hàng.

Các chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam đang quay về trạng thái vận hành bình thường sau giai đoạn chống dịch. Cho vay tiêu dùng tín chấp là giải pháp hiệu quả giúp người dân tự tin hơn trong việc mua sắm, từ đó tăng tổng cầu, thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ, tạo công ăn việc làm trong ngắn hạn. Tín dụng tiêu dùng góp phần thúc đẩy tổng cầu, tăng cường sản xuất và nối liền huyết mạch cho nền kinh tế.

Về phía các ngân hàng muốn thúc đẩy cho vay tiêu dùng để phân tán rủi ro, bởi những khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ hơn so với các khoản vay của DN. Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng giúp ngân hàng duy trì được biên lãi ròng (NIM) cao nhờ chênh lệch đầu ra và đầu vào lãi suất.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN tiếp tục yêu cầu tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".

“Đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của các tổ chức tín dụng. Nếu cho vay và quản lý cho vay tốt, hiệu quả, không để xảy ra rủi ro thì đây sẽ là thị trường, xu hướng phát triển của các tổ chức tín dụng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.