Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản quyền truyền hình không chỉ “nóng” với truyền thông trong nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề được cho là "nóng" nhất trong Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 đã được "khơi mào" trong hội thảo quốc tế "Bản quyền truyền hình" diễn ra sáng 19/12.

 Các quan điểm được diễn giả đưa ra trên cuộc bàn tròn này cho thấy, bản quyền truyền hình không chỉ là vấn đề "nóng" của riêng ngành truyền thông Việt Nam mà cả quốc tế.

 “Nóng” vì vi phạm

 "Nóng" nhất không gì khác là các vi phạm về bản quyền tác phẩm. Bà Vũ Thị Thanh Tâm - Trưởng Ban kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: Chỉ cần lướt qua một vài trang mạng hiện nay là có thể dễ dàng xem lại được vô số những chương trình truyền hình "ăn khách". Và các đơn vị đăng tải đã "hốt bạc" từ việc thu phí tải về hay quảng cáo. Bà Thanh đưa ra dẫn chứng về chương trình "Giọng hát Việt 2012" của "nhà đài", chỉ trên một trang mạng cung cấp nội dung số, lượt xem chương trình này đã lên tới hơn 53 triệu. Nhờ đó, các trang web đăng tải kiếm được nguồn thu từ quảng cáo.

 
Bản quyền truyền hình của K+ đã gây không ít tranh cãi tại các diễn đàn. Ảnh:  Anh Thu
Bản quyền truyền hình của K+ đã gây không ít tranh cãi tại các diễn đàn. Ảnh: Anh Thu

Thực tế, không phải đến diễn đàn này, vấn đề bản quyền truyền hình mới "nóng", mà câu chuyện đã được đề cập, tranh cãi không ít trong các cuộc bàn tròn trước đây. Ngay hôm 17/12 vừa rồi, vấn đề này cũng đã được đem ra bàn thảo với nhiều lời phàn nàn tại cuộc hội thảo về bản quyền điện ảnh và truyền hình. Không ai có thể chấp nhận tình trạng một bộ phim vừa ra mắt trên truyền hình ngay lập tức được đưa lên trên mạng cho cả "làng" xem, thậm chí người đưa lên mạng còn tranh thủ kiếm lời bằng cách gài lồng quảng cáo.

Trong thời đại bùng nổ internet, rõ ràng truyền hình đang phải đối mặt với áp lực bản quyền, điển hình là những thất thoát về kinh tế khi tác phẩm bị sao chép. Theo tính toán của Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC), Việt Nam đang xếp thứ 18 thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 Đông Nam Á về lượng người dùng internet. Và hiện 90% người dùng internet tại Việt Nam xem video trực tuyến. Nếu trong năm 2013, Việt Nam giải quyết được vấn đề bản quyền, dịch vụ video theo yêu cầu, sẽ đạt doanh số khoảng 2.000 tỷ đồng - đây cũng chính là con số thất thoát của ngành nội dung số nói chung và điện ảnh, truyền hình, âm nhạc nói riêng.

Quản lý lỏng lẻo

Tại hội thảo, Tiến sĩ - Luật sư Murray Green cũng không bỏ qua những vi phạm bản quyền truyền hình để đi đến kết luận: Việc sử dụng trái phép nội dung là mối đe dọa lớn về kinh tế đối với các "nhà đài". Là bởi bản quyền truyền hình ngày càng khó thực thi vì ngày nay nội dung chương trình có nhiều và sẵn ở hình thức kỹ thuật số; rất nhanh và dễ để sao chép, chỉnh sửa, sử dụng. Ông Murray Green cho rằng, việc cần làm hiện nay là thiết lập hệ thống để xác định và loại bỏ những chương trình bất hợp pháp; đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa tuân thủ bản quyền truyền hình trong kinh doanh; đồng thời xem xét việc cung cấp nội dung trên internet và phương thức phát sóng...

Chung nỗi bức xúc trước những vi phạm về bản quyền truyền hình, ông John Medeiros - Trưởng ban Chính sách CASBAA (Hiệp hội Truyền hình Cáp và Vệ tinh châu Á) cho biết, tại khu vực châu Á, các chính phủ quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ trong vấn đề vi phạm bản quyền trên internet, các chế tài chưa đủ mạnh để xử lý việc vi phạm bản quyền. Do vậy, thay vì quản lý internet bằng các chế tài, chúng ta nên có chế độ chính sách thúc đẩy truyền hình phát triển, thu hút đông đảo người xem. Đây là hình thức cạnh tranh tốt nhất để loại trừ vi phạm bản quyền trên không gian mạng.

Có lẽ, cũng để khẳng định quan điểm về vấn đề bản quyền truyền hình và tôn lên chủ đề "nóng" của Liên hoan truyền hình lần này, nên Ban tổ chức đã "mạnh tay" khi đưa ra sự đổi mới. Đó là thay vì các "nhà đài" có thể yêu cầu sao chép các chương trình của nhau để về chiếu trên kênh của mình, tại liên hoan này, các yêu cầu sao chép sẽ được gửi tới đơn vị sản xuất chương trình, nếu chủ nhân đồng ý, việc sao chép mới được thực hiện. Và những chia sẻ kinh nghiệm từ bàn tròn này sẽ gợi mở bước đi tiếp theo cho ngành truyền hình Việt khi đối diện với vấn đề bản quyền đầy căng thẳng hiện tại.