Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thông báo với bà Riberio Viotti về tình hình chính trị kinh tế của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho biết sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự khai mạc phiên điều trần thường niên giữa Liên minh Nghị viện Thế giới và Liên hợp quốc. |
Hiện nay, Quốc hội khóa XIV ngày càng đổi mới, thực hiện tốt chức năng của cơ quan lập pháp, giám sát tối cao trong hệ thống chính trị Việt Nam, đại diện cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập toàn diện vào đời sống kinh tế-chính trị quốc tế, hoạt động ngoại giao nghị viện của Việt Nam cũng được đẩy mạnh. Việt Nam đã tham gia đầy đủ và có trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực.
Điều này được thể hiện qua việc Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132 (tháng 3/2015) và sắp tới sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về Biến đổi khí hậu”vào giữa tháng 5/2017, trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đánh giá cao vai trò trung tâm và những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc xây dựng hệ thống các quy định, chuẩn mực của luật pháp quốc tế trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy các nước tham gia gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, trong đó có Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển bền vững; các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng gửi lời cảm ơn tới Liên hợp quốc, và các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tích cực hợp tác với Việt Nam, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, ưu tiên cho Việt Nam, qua đó đóng góp vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc và bảo vệ trẻ em...
Thông qua bà Riberio Viotti, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lời mời sang thăm Việt Nam trong năm 2017, đặc biệt là vào dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và cũng là dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2017).
Về phần mình, Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Riberio Viotti đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Liên hợp quốc cũng như vai trò của Quốc hội Việt Nam trong IPU.
Bà Riberio Viotti nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực, do đó, Việt Nam đang và sẽ có những đóng góp tích cực vào tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030.
Cũng tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội và Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã cùng trao đổi về những thách thức bên trong và bên ngoài đối với sự phát triển của Việt Nam.
Thay mặt ban thư ký Liên hợp quốc, bà Riberio Viotti đã gợi ý một nhóm giải pháp cho Việt Nam bao gồm: Quản trị nhà nước tốt; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; và đổi mới thủ tục hành chính.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại trụ sở phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã có cuộc trao đổi với một số giáo sư hàng đầu của Mỹ, giáo sư Jerome Cohen, Đại học Luật New York; giáo sư Thomas Vallely và giáo sư David Dapice, Đại học Harvard.
Phó Chủ tịch đã trao đổi với các giáo sư về tình hình chính trị của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung; nghe các giáo sư phân tích về những tác động của những chính sách của chính quyền mới đối với quan hệ của Mỹ với các nước lớn và các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Các giáo sư bày tỏ hy vọng rằng chính sách xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama sẽ không có sự thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, song mức độ can dự của Mỹ vào khu vực có thể có sự thay đổi dựa trên tình hình thực tế trong quan hệ với từng nước.
Về vấn đề Biển Đông, các giáo sư cho rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục tham gia đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển này vì Mỹ có lợi ích quan trọng ở đây.