Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại vừa có ý kiến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2014 và thời gian tiếp theo, UBND TP đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng các cơ quan báo chí TP mỗi tuần có ít nhất 1 bài tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, thẩm quyền và lợi ích mà Thừa phát lại cung cấp để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực nhiệm nhiệm vụ, để người dân Thủ đô biết, hiểu, tin và sử dụng, thụ hưởng dịch vụ của Thừa phát lại.
|
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; báo cáo ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Thành ủy ban hành văn bản cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Tòa án nhân dân thành phố chỉ đạo Tòa án nhân dân các quận chuyển giao công việc tống đạt các văn bản theo quy định cho Văn phòng Thừa phát lại...
Chi cục Thi hành án dân sự thành phố chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện theo địa hạt; hướng dẫn Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại thực hiện tống đạt theo đúng quy định...
Sở Tư pháp khẩn trương tham mưu UBND TP ban hành chỉ thị tăng cường triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại...
UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và văn bản liên quan về thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại...
Các Văn phòng Thừa phát lại kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong việc lập vi bằng; chủ động quảng bá, tuyên truyền về Văn phòng thông qua kết quả công việc; thực hiện đầy đủ 4 nhiệm vụ của Thừa phát lại; chủ động phối hợp với cơ quan Toà án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ để từng bước khẳng định được uy tín nghề nghiệp.
Hiện nay, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Công tác tuyên truyền đã được thực hiện nhưng sức lan toả còn hạn chế, nhiều người dân chưa biết nhiều về chế định; một số cơ quan tư pháp, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường nhận thức chưa đầy đủ về các quy định của pháp luật liên quan đến Thừa phát lại, chưa quán triệt đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong việc triển khai, phối hợp, hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện chức năng, nhiệm vụ; một số Văn phòng Thừa phát lại chưa nỗ lực, quyết liệt trong việc triển khai thực nhiệm nhiệm vụ tống đạt các văn bản của Toà án nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự thành phố.