Hiện tượng tiêu cực thì thời nào cũng có, bộ phận nào của xã hội đều có, nó chỉ to hay bé, nghiêm trọng hay chưa nghiêm trọng, ít hay nhiều mà thôi. Giống như quy luật của tự nhiên và xã hội về sự thống nhất những mặt đối lập: âm - dương, tốt - xấu, thiện - ác, trắng - đen, nóng - lạnh…
Những năm đầu đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, đã xuất hiện cả những bài báo của những “ông to” trong việc chống tiêu cực. Đơn cử hai trường hợp: hai vị “trưởng lão” thời đổi mới, đó là cố Tổng Bí thư T.Ư Đảng Nguyễn Văn Linh và cố Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng, người mà có một thời gian tương đối lâu được Đảng phân công phụ trách công tác tư tưởng, lý luận.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những hiện tượng nổi tiếng nhất với những bài báo mang bút danh NVL đăng ở mục “Những việc cần làm ngay” của báo Nhân Dân cuối những năm 80 thế kỷ trước (31 bài, đăng từ ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990).
Xung quanh bút danh này, lúc đầu nhiều người đoán NVL chính là tên viết tắt “Nguyễn Văn Linh”; có một số người “suy” và” tán” rằng, NVL là “Nói và làm”; lại có không ít người cho rằng, đó là “Nhảy vào lửa”, bởi vì những bài báo đó động đến việc chống tiêu cực, tức là động đến những đám lửa đang cháy.
Thực sự những bài báo đó đã gây ra những chấn động lớn thời bấy giờ. Trước đó và cùng với lúc đó, trong giới văn nghệ sĩ, cũng có câu nói của đồng chí Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cởi trói trước khi trời cứu”. Câu đó chưa gây ấn tượng bằng những bài báo của tác giả NVL.
Lúc này, báo Nhân Dân được “ghi điểm” do có sự hấp dẫn đó. Tại sao vậy? Vì đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm thấy những căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc đổi mới đang phăm phăm lao về phía trước.
Ngòi bút của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: chống tiêu cực; dân chủ, công khai, nói rõ, nói thẳng, nói đúng sự thật; khuyến khích báo chí tham gia mạnh mẽ chống tiêu cực.
Hiệu ứng những bài báo của tác giả NVL đã đưa ra thông điệp cho giới báo chí cách mạng Việt Nam là: phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật; phong cách thể hiện phải súc tích, dễ hiểu, hấp dẫn; báo chí phải là diễn đàn nêu nguyện vọng của dân; những người làm báo phải trung thực, tận tụy với nghề, phải cương trực, yêu cái đúng, cái tốt, điều thiện; ghét cái sai, cái xấu, điều ác.
Những bài báo đó đã truyền cảm hứng cho báo chí cách mạng Việt Nam dấn thân vào lĩnh vực khó khăn này.
Giờ đây, dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2024) nhìn lại, từ những bài báo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta càng thấy phảng phất đâu đây phong cách làm báo của Nhà báo cách mạng bậc thầy Hồ Chí Minh ở ba điểm chủ chốt nhất: bài báo phải súc tích; đưa thông tin cần thiết, đầy đủ theo đúng chủ đề; viết cho hấp dẫn người đọc.
Sự bảo đảm tôn chỉ, mục đích của tờ báo là ở đấy, chứ ở đâu! Không bao giờ được phép thương mại hóa, chỉ được phép viết những điều ích quốc lợi dân mà thôi.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã học được Bác Hồ ở ba điều ấy – những điều rất giản dị nhưng yêu cầu rất cao, có khi trở thành “nan đề” cho nhiều người làm báo hiện thời có khi học cả đời chưa thuộc bài nếu lòng dạ không trong sáng, không có chí, không có bản lĩnh, bản thân mình tiêu cực, chạy theo đồng tiền để sẵn sáng bẻ cong ngòi bút.
Trường hợp đồng chí Đào Duy Tùng có khác. Khác là ở cách thể hiện so với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Một bên viết báo, một bên thì viết “chí”. Đồng chí Đào Duy Tùng không những là người viết bài tạp chí, còn là nhà quản lý trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Trên mặt trận tư tưởng, đồng chí Đào Duy Tùng có nhiều kinh nghiệm và có đóng góp to lớn. Đồng chí Đào Duy Tùng đã giữ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học Ban Tuyên huấn T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), Viện trưởng Viện Mác Lênin và Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư.
Đồng chí Đào Duy Tùng được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng trong 4 khóa liền (Đại hội IV, V, VI và VII), trong đó 2 khóa được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng. Đó là những vị trí chế định trách nhiệm của đồng chí Đào Duy Tùng, thể hiện trong những bài viết chính luận chặt chẽ, có lý, có tình, nghĩa là có tính thuyết phục người đọc, nhất là những người đọc chuyên trách công tác tư tưởng, lý luận trong cả nước.
Trong 30 năm hoạt động tư tưởng, lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng đã chứng tỏ là một cây viết sắc sảo trên lĩnh vực báo chí; đồng thời trên cương vị công tác của mình, đồng chí luôn quan tâm đến sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền đối với lĩnh vực báo chí, chăm lo đến đời sống cũng như tạo mọi điều kiện có thể có cho đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận, báo chí tác nghiệp.
Sự nghiệp báo chí của đồng chí Đào Duy Tùng được diễn ra trên cơ sở nắm bắt những vấn đề tổng kết thực tiễn kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Những đổi mới từng phần, việc làm “xé rào” của các cấp cơ sở, ý kiến nếu không được lắng nghe, không được khảo sát, nghiên cứu, tổng kết thì không thể có chủ trương, đường lối đúng được.
Những thông tin từ thực tiễn là chất liệu vô cùng quý báu để xây dựng đường lối, chính vì vậy, đồng chí Đào Duy Tùng đã cho việc lập ra những đơn vị chuyên sâu làm công tác thông tin, báo chí trong các ban của Đảng, đa dạng hóa thông tin, mở rộng tính công khai, chú trọng tính trung thực, nhanh nhạy, đưa tiếng nói của Nhân dân, thực tế cuộc sống vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị nước nhà.
Những bài viết tạp chí của đồng chí Đào Duy Tùng đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần cụ thể hóa, bổ sung, phát triển con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Đi đôi với việc biểu dương cái hay, cái tốt, đồng chí Đào Duy Tùng còn coi trọng dùng báo chí phê phán cái ác, cái xấu, tệ tham nhũng, quan liêu; phê phán những đối tượng có mưu đồ đen tối, những kẻ gieo rắc luận điệu hoài nghi, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Báo chí không chỉ phản ánh hiện thực xã hội, mà còn có trách nhiệm định hướng đúng đắn dư luận xã hội trước mỗi sự kiện, vấn đề trong nước và quốc tế.
Theo đồng chí Đào Duy Tùng, người làm báo (cả quản lý và viết bài) phải có phong cách giản dị, dễ gần, trung thực, khiêm tốn, phải thấm nhuần quan điểm đổi mới có nguyên tắc; phải biết lắng nghe, tôn trọng những người đối thoại với mình, khuyến khích thảo luận để tìm ra chân lý; cảnh giác trước các thế lực xấu, lợi dụng dân chủ, cơ hội chính trị.
Do đó phải kiên quyết và kiên trì đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị, chống lại các thế lực phản bội sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.