Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm an toàn vùng cư dân sông Bùi: Cần giải pháp căn cơ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai năm liên tiếp 2017 – 2018, lũ trên sông Bùi lên cao vượt mức báo động 3 khiến đời sống của hàng nghìn người dân huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làm thế nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ con nước đối với cư dân ven con sông này vẫn là bài toán không đơn giản.

 Đê sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ đang được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Trọng Tùng
Vì sao ngập lụt nghiêm trọng?

Ngày 18/7/2018, Hà Nội hứng chịu đợt mưa lớn khiến nước sông Bùi lên cao vượt mức lịch sử, đạt đỉnh 7,51m (trên báo động 3 là 51cm). Nước lớn đã khiến 3.024 hộ dân bị ngập sâu trong khoảng 20 ngày, gần 12.000ha cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cùng 120.696 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Trước đó gần 1 năm, từ ngày 10 – 12/10/2017, mưa lũ khiến mực nước sông Bùi lên cao, đạt đỉnh 7,14m (vượt báo động 3 là 14cm), cũng đã khiến 8.291 nhà dân bị thiệt hại và 1.435 hộ phải di dời khẩn cấp; 8.693ha cây trồng bị hư hỏng, tổng gia súc, gia cầm bị chết cuốn trôi 316.825 con; cùng hàng nghìn mét đê điều, kênh mương, đường giao thông bị sạt lở…

Một trong những nguyên nhân khiến mực nước sông Bùi lên cao là do con sông này có nhiệm vụ tiêu thoát lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Thực tế, sông Bùi bắt nguồn từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đoạn chảy qua huyện Chương Mỹ dài 23km, chia địa phương này thành hai vùng: Tả Bùi có diện tích khoảng 28.000ha, dân số 596.000 người và hữu Bùi với diện tích 6.500ha, dân số 75.000 người. Dù vậy, cả hai tuyến đê tả Bùi, hữu Bùi đều có cao trình đê thấp hơn so với quy hoạch lần lượt là từ 0,5 – 1,0m và từ 1,5 – 2,5m.

Bên cạnh cao trình đê còn thiếu, trong vùng hữu Bùi còn có một số nhánh suối nhỏ chảy từ phía Tây đổ về sông Bùi như suối Cầu Tây, suối Vàng… Trong khi đó hiện trạng đê hữu Bùi chưa được liền tuyến, mà được ngăn cách từng đoạn bởi các tuyến đê bao (Bùi 2, Thuần Lương, Đồng Trồi…). Đây là nguyên nhân khiến hai mùa mưa lũ vừa qua, khi lượng mưa tại tỉnh Hòa Bình lớn, nước sông Bùi dâng cao vượt mức báo động, gây ngập lụt nghiêm trọng cho các địa phương ven sông, nhất là huyện Chương Mỹ.

Nâng cấp, gia cố tuyến đê

Thực tế, trong hai mùa mưa lũ gần đây trên sông Bùi, Hà Nội đã rất chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời trên phương châm “4 tại chỗ”. Đơn cử như trong mùa mưa lũ năm 2018, TP đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội phối hợp với các lực lượng để ứng cứu, chống tràn và bảo đảm an toàn cho các tuyến đê xung yếu thuộc các xã ven sông Bùi huyện Chương Mỹ…

Đời sống của người dân vùng lũ các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai cũng được đảm bảo khi TP đã kịp thời cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ trong những ngày mưa lũ đi qua. Tính riêng trong mùa mưa lũ 2018, TP đã trích gần 2 tỷ đồng để cứu trợ Nhân dân vùng lũ. Đồng thời, cử cán bộ, y bác sĩ xuống chăm sóc sức khỏe cho người dân…

Để bảo đảm khả năng chống lũ cho đê sông Bùi trước mùa mưa lũ năm 2019, ngay từ đầu năm, UBND TP đã phê duyệt hàng chục dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê sông Bùi thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thiên tai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, về lâu dài, cần quy hoạch, sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên, thích ứng với vùng thấp trũng, thường xuyên úng ngập.

Bên cạnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đặc biệt là nghiên cứu giải pháp tiêu thoát lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm bảo đảm tiêu thoát kịp thời nước lũ trên các sông. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp 50km các tuyến đê: Hữu Đáy, tả Bùi, hữu Bùi và tả Mỹ Hà, với tổng kinh phí khoảng 2.268 tỷ đồng.