Bảo đảm hiệu quả trong dạy và học trực tuyến

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cho học sinh (HS) nghỉ học từ ngày 4/5 và đây là lần thứ 3 kịch bản này xảy ra từ khi dịch Covid- 19 bùng phát. Với tinh thần “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, việc dạy và học trực tuyến tại các đơn vị, trường học trên địa bàn luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Học sinh tại Hà Nội học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Ảnh: Điệp Quyên
Thường xuyên kiểm tra kiến thức học sinh
Sau khi Hà Nội phát đi thông báo cho HS các cấp tạm dừng đến trường, thời khóa biểu được các giáo viên chủ nhiệm gửi đến từng HS ngay trong tối 3/5 để bắt đầu triển khai vào sáng 4/5. Công tác dạy và học diễn ra bình thường, không gây xáo trộn hay lúng túng cho cả nhà trường, thầy cô và HS.

Cô Trần Minh Thủy - Hiệu trưởng trường THCS Việt Nam - Angiêri (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày, thầy cô bộ môn đều giao bài tập cho HS, sau đó yêu cầu các em hoàn thiện và gửi quaZalo để thầy cô chấm và chữa bài. HS nào không hoàn thành bài sẽ bị nhắc nhở và có hình thức xử lý nên đa số các con đều chấp hành nghiêm chỉnh”.

Theo cô Trần Thị Mỹ Lâm - Hiệu trưởng trường THCS Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội), việc kiểm tra kiến thức hàng ngày, hàng tuần của HS được trường thực hiện rất bài bản. Giờ học kết thúc, thầy cô giao bài tập cho HS trên phần mềm. Sau khi hoàn thành bài, phần mềm tự động tính điểm, HS nhìn vào đó sẽ biết mình sai ở đâu. Bài nào không hiểu, các em liên hệ nhờ thầy cô giảng giải cặn kẽ để nắm được vấn đề.

Với trường Tiểu học & THCS Newton 5 (huyện Thanh Oai, Hà Nội), việc giao bài, kiểm tra hàng ngày, hàng tuần được các thầy cô thực hiện theo kế hoạch ngay từ đợt nghỉ dịch đầu tiên. Đến nay đã thành nếp, các tiết học đều có bài tập cả ở sách giáo khoa, phiếu và trên phần mềm; cô giáo chủ nhiệm sẽ nhắn tin lên nhóm Zalo lớp để bố mẹ nắm được, nhắc nhở con hoàn thành. Đến thời hạn, HS gửi thầy cô giáo phụ trách bài làm để chấm, chữa. Ngày thứ Bảy, 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lại có bài kiểm tra tuần để đánh giá kiến thức. “Với cách học và kiểm tra sát sao, bài bản như vậy, nhà trường đánh giá được khá chính xác kiến thức của HS cũng như hiệu quả từng tiết dạy, từng môn học” - TS Lê Thanh Quân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Chủ động các phương án kiểm tra học kỳ 2

Học trực tuyến, kiểm tra thường xuyên trực tuyến nhưng kiểm tra định kỳ cuối năm trực tiếp - đó là mong muốn chung của các trường trên địa bàn Hà Nội. Tuy vậy, xác định tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid- 19 nên hầu hết các trường đều chuẩn bị phương án, kế hoạch để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Tại trường Việt Nam - Angiêri, các thầy cô đã họp hội đồng giáo viên và chuẩn bị 3 phương án kiểm tra học kỳ 2. Nếu dịch bệnh được khống chế, HS đến trường bình thường sẽ kiểm tra học kỳ như mọi năm. Nếu dịch bệnh chưa ổn định nhưng được phép đến trường, sẽ kiểm tra trong điều kiện giãn cách. Và cuối cùng, nếu dịch bệnh phức tạp, không thể đến trường kiểm tra trực tiếp được thì sẽ kiểm tra trực tuyến.

Còn tại trường THCS Xuân La, việc dạy - học trực tuyến đã trở nên quen thuộc với thầy cô, HS. Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp, không thể đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp được, trường hoàn toàn có đủ phương tiện để thực hiện kiểm tra trực tuyến. “Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 09, việc học có thể tiến hành online nhưng việc kiểm tra định kỳ vẫn thực hiện trực tiếp; do vậy, trường vẫn chờ chỉ đạo của Sở” - Hiệu trưởng trường THCS Xuân La Trần Thị Mỹ Lâm nêu ý kiến.
Trong những ngày tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ ra hướng dẫn cụ thể bởi Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến đến ngày 16/5 mới bắt đầu có hiệu lực.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến