Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 (ngày 3/8/2020), Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành hai đợt.
Theo đó, TP Đà Nẵng và các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội sẽ lùi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vào thời điểm thích hợp khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã định từ ngày 8 - 10/8.
Với phương án tổ chức thi này, cùng với việc bảo đảm an toàn, nghiêm túc, minh bạch cho mỗi đợt thi, có những vấn đề mà xã hội, cộng đồng và đặc biệt là các thí sinh và phụ huynh các em quan tâm. Đó là bảo đảm công bằng về đề thi, cơ hội xét tuyển cho thí sinh đợt 2. Về hai vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ bảo đảm đề thi của đợt hai có độ khó tương đương đợt một. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường đại học dành chỉ tiêu xét tuyển cho các thí sinh thi đợt 2.
Xem ra, cái khó nằm ở việc thứ hai, cơ hội xét tuyển vào đại học cho các thí sinh tham gia thi đợt 2. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đối với các thí sinh dự thi đợt 2 có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học có phương án tuyển sinh phù hợp.
Cụ thể, bộ đề nghị các trường tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, xét tuyển nhiều đợt trong năm tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh. Trong đó, các trường xem xét dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện F1, F2 và các thí sinh tại các địa phương có nguy cơ cao về dịch Covid-19 phải tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương và chỉ đạo như vậy, nhưng xem ra vẫn còn không ít băn khoăn về việc cơ hội cho các thí sinh thi đợt 2 xét tuyển vào các trường ĐH sẽ bị hạn chế, nhất là các trường ĐH có uy tín. Đây là nỗi lo có thật khi nhìn lại quan điểm của một số trường đại học về vấn đề này.
Theo lãnh đạo Học viện Tài chính, nếu đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT trường đã tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh thì học viện sẵn sàng xin Bộ GD&ĐT cho lấy vượt chỉ tiêu 5 - 10% để tuyển thêm những học sinh thi đợt 2, bảo đảm quyền lợi cho các em.
Trong khi đó, ĐH Ngoại thương chuẩn bị công tác tuyển sinh năm nay với tinh thần vẫn bám sát chỉ tiêu, kế hoạch của Bộ. Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trương tuyển đúng chỉ tiêu đề ra vì cho rằng nếu tăng chỉ tiêu so với khả năng đào tạo thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cũng như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng tuyển thêm nếu thí sinh có nhu cầu vì qua khảo sát lượng thí sinh từ Đà Nẵng, Quảng Nam đăng ký dự thi vào hai trường này rất ít.
Ở khu vực phía Nam, một số trường vẫn muốn giữ chỉ tiêu tuyển sinh. Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: "Về cơ bản chúng tôi cũng không chuẩn bị tăng chỉ tiêu tuyển sinh, dù năm nay có thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt". Theo GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, trường vẫn chỉ thực hiện phương án tuyển sinh dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và nếu đợt 1 tuyển đủ sinh viên, trường sẽ không lấy đợt 2 nữa.
Thực tế trên cho thấy, để tạo cơ hội được xét tuyển vào các trường ĐH một cách công bằng cho những thí sinh tham gia thi đợt 2, rất cần một sự chỉ đạo kiên quyết, thống nhất và cụ thể với các nhà trường từ Bộ GD&ĐT. Mặt khác, các nhà trường cũng cần có phương án tuyển sinh phù hợp, không chỉ bởi chấp hành sự chỉ đạo của Bộ, mà quan trọng hơn là để bảo đảm tối đa quyền lợi của học sinh, nhất là với các em đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh!