Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Công nghệ là giải pháp đột phá

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/12, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016 – 2020 và Năm ATGT 2020 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình.

Vi phạm còn rất nhiều
Theo báo cáo của Cục CSGT, Bộ Công an và Cục Hàng hải, Bộ GTVT, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông (TNGT); làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, TNGT đã giảm 70.085 vụ (42,71%), giảm 9.372 người chết (19,01%), giảm 90.628 người bị thương (53,91%). Riêng trong năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 - 14/11/2020), toàn quốc xảy ra 12.985 vụ TNGT, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với cùng kỳ năm 2019, TNGT giảm 2.900 vụ (18,26%), giảm 927 người chết (13,29%), giảm 2.492 người bị thương (20,52%).
 Trung tâm Giám sát giao thông Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Từ năm 2016 đến nay, toàn quốc đã đăng ký mới trên 1,8 triệu xe ô tô, gần 18 triệu xe mô tô, trên 1,3 triệu xe máy điện. Nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là trên 4,6 triệu xe ô tô, trên 72 triệu mô tô và gần 1,5 triệu xe máy điện. Cũng trong 5 năm qua, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý gần 21 triệu trường hợp vi phạm về trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 14.000 tỷ đồng; tước gần 2 triệu giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ trên 3 triệu phương tiện. So với cùng kỳ 5 năm trước, số lượng vi phạm bị xử lý đã giảm trên 8,5 triệu trường hợp (28,96%) nhưng tiền phạt lại tăng trên 1.100 tỷ đồng (8,79%).

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, tình hình trật tự, ATGT, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải từ năm 2016 đến nay diễn biến phức tạp, tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý. Ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương khác.

Khoa học công nghệ là chìa khóa

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá, tình hình trật tự, ATGT trong 5 năm qua đã có những chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2011 - 2015. Bước sang năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhiều, phương tiện giao thông tăng nhanh. Bởi vậy, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, mục tiêu chung vẫn là tiếp tục kéo giảm giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về ATGT, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại. Đồng thời xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện. Tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT. Trong đó đặc biệt xác định, ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá quan trọng nhất, là chìa khoá, để triển khai 5 trụ cột chính sách về trật tự, ATGT nói trên.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2021. Đặc biệt lưu ý công bố và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày, số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý vi phạm TTATGT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa.

Từ năm 2015 - tháng 10/2020, bình quân hàng năm Hà Nội giảm 167 vụ TNGT, tương đương 11,46%; giảm 31 người chết (6,44%), giảm 199 người bị thương (16,04%). Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 63 điểm UTGT, tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh, các công trình trọng điểm trong quá trình thi công làm hạn chế lòng đường, dẫn đến phát sinh 49 điểm mới. Từ năm 2017 đến nay đã xóa bỏ được 73 điểm đen về TNGT; riêng năm 2020 đã cơ bản giải quyết được 19/30 điểm đen TNGT còn tồn tại.