Trình độ đại học thất nghiệp cao nhất Trong quý II/2016, cả nước có 1.088.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý I/2016. Trong số những người bị thất nghiệp, có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật; các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là “trình độ ĐH trở lên” 191.300 người, “CĐ chuyên nghiệp” 94.800 người và “trung cấp chuyên nghiệp” 59.100 người. Nhưng, khi tính theo tỷ lệ thất nghiệp, nhóm "CĐ chuyên nghiệp" chiếm nhiều nhất với 6,6%, tiếp theo là "ĐH trở lên" 4,0% và "CĐ nghề" 3,66%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) là 7,1% (567.700 người), tăng 27.000 người so với quý I/2016. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3%, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.
Lý giải về tình trạng thanh niên thành thị không tìm được việc làm tăng cao, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, đây là hiện tượng bình thường ở hầu hết các nước. Chất lượng lao động thể hiện qua tỷ lệ đào tạo nói chung cải thiện chậm, chiếm 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56 điểm phần trăm so với quý II/2015. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật là 11.210.000 người, tăng 441.000 người so với cùng kỳ năm 2015. Riêng nhóm ĐH trở lên có sự gia tăng đáng kể với 10,51%; CĐ nghề tăng 10,27%. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4.850.000 đồng, giảm 228.000 đồng so với quý I. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn là nhóm ngành có thu nhập cao nhất. Một điều đáng lưu ý là DN Nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân cao nhất bởi có quy mô lớn, trong khi đa số DN bên ngoài là vừa và nhỏ. Học một ngành không thể có việc suốt đời Thực tế, rất nhiều DN đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế, nhưng lại có tới trên 191.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp. Về việc này, ông Vinh cho rằng, chúng ta đang phấn đấu để có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao, nhất là có chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam mới trên 20%, thấp hơn so với nhiều nước. "Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm CĐ, ĐH trở lên cao phản ánh thực tế đang có độ vênh khá lớn giữa cung lao động qua đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của các DN. Thể hiện ở sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, đặc biệt nhóm ngành kinh tế, xã hội chiếm tỷ lệ lớn, trong khi DN đang rất thiếu kỹ sư, chuyên gia công nghệ". Lao động trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp nhiều cho thấy chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực sự của nhà tuyển dụng. Xung quanh câu chuyện thất nghiệp lao động trình độ ĐH trở lên tăng, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, không phải cứ học xong một ngành rồi sau đó có việc suốt đời, vì thị trường lao động hiện đại luôn biến động. Vì vậy, chúng ta khuyến khích học tập suốt đời để thích ứng với biến đổi của công nghệ, nhu cầu dịch vụ thị trường cần. Theo tinh thần của Nghị quyết 29 về Đổi mới giáo dục, là lấy sự chấp nhận của thị trường làm thước đo hiệu quả cho các ngành đào tạo. Vì thế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cũng phải nắm được tín hiệu của thị trường mới giải được bài toán lao động trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp ngày một gia tăng.
Người lao động tham khảo bảng thông báo tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 200.000 cử nhân ĐH, CĐ ra trường chưa tìm được việc làm. Bản tin thị trường lao động cập nhật quý I cho thấy, số cử nhân ĐH, CĐ thất nghiệp đang gia tăng. Quý I, cả nước có khoảng 1,070 triệu người đang trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có 190.900 người có trình độ cử nhân và trên cử nhân, chiếm 3,93%. |