Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ cử nhân hết thất nghiệp?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong những ngày đầu của năm 2017, câu chuyện hơn 202.000 người lao động trình độ cử nhân thất nghiệp lại được đem ra mổ xẻ.

Người thì đổ tại trình độ cử nhân không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động: Tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoặc cung - cầu không gặp nhau; người thì nói do biến đổi không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi...
Nhưng không thể phủ nhận 2 nguyên nhân quan trọng liên quan đến GD&ĐT, đó là tư vấn hướng nghiệp chưa được chú trọng, chất lượng nguồn nhân lực không phù hợp với nhu cầu.
Có lẽ đây cũng chính là lý do chủ yếu để ngay từ những ngày đầu năm mới 2017, Bộ GD&ĐT phải tức tốc mở hội nghị đi tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học (ĐH) nhằm tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Phải nói rằng, ngành giáo dục đang đứng trước một thách thức rất lớn: Yêu cầu về chất lượng giáo dục cao nhưng các điều kiện để đảm bảo chất lượng và môi trường, cơ chế, thể chế nền kinh tế thị trường còn nhiều điều cần tranh luận. Vì thế, chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội cũng như có các thể chế kèm theo; nhưng trước hết, Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Bởi để sản phẩm đào tạo ra đáp ứng yêu cầu xã hội, trong xu hướng giáo dục toàn cầu hiện nay, các trường ĐH có thể nhập giáo trình, chuyển giao công nghệ, mời giáo sư và giảng viên nước ngoài đến đào tạo. Đổi mới quản trị ĐH cũng là một yêu cầu bức thiết để các trường có thể thu hút giảng viên giỏi đến từ trong và ngoài nước.
Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo nhiều trường ĐH đề xuất giải pháp, trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mỗi đơn vị cần có những hướng đi phù hợp. Các trường có thể đổi mới hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng, đưa người học vào DN, tạo môi trường để phát triển năng lực cá nhân. Hiện nay, khi cơ cấu nghề thay đổi, các trường không nên tồn tại những ngành xã hội không cần. Thời gian đào tạo cũng nên được rút ngắn để người học tham gia vào thị trường lao động càng sớm càng tốt. Và một vấn đề vô cùng quan trọng quyết định sự thành công chính là tư vấn hướng nghiệp và phân luồng giáo dục. Trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường không chỉ giới thiệu về những ngành nghề mình đào tạo có gì hay, hấp dẫn, mà phải tư vấn cho từng học sinh biết năng lực của họ có thể theo học ngành gì, bậc trình độ nào cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu nhân lực của xã hội sau 3 hoặc 4 năm nữa.
 Có lẽ đây cũng là những gợi ý cho bài toán thừa thầy thiếu thợ đang "nóng" đầu năm mới.