Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ Lễ đài trong ngày Độc lập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếng loa vang vang: "Đội anh Cao ở đâu ra ngay", Đại tá Đào Văn Xuân nhớ lại giây phút lịch sử đó. "Đội anh Cao" chính là đội danh dự đứng gần Lễ đài nhất.

 
 
 
Bảo vệ Lễ đài trong ngày Độc lập - Ảnh 1
Những người bảo vệ Lễ đài trong ngày 2/9/1945.
Sáng ngày 2/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi xe Citroen màu đen đến đón Bác ở Bắc Bộ phủ. Trời Hà Nội rất xanh và đẹp, rồi xe của Bác được một đoàn xe đạp gồm các thanh niên mặc quần soóc, sơ mi trắng ngắn tay, hộ tống ra Quảng trường Ba Đình. Qua các phim tư liệu và ảnh ngày nay ta thấy Kỳ đài được bảo vệ bằng nhiều đơn vị, lực lượng vũ trang khác nhau. Có đơn vị bộ đội, có thanh niên mặc quần dài sơ mi trắng, cầm súng trường, sát hàng rào ngay chân Lễ đài là đội thanh niên danh dự. Lực lượng chính đối diện Kỳ đài là Giải phóng quân Hà Nội. Đó là những người đã tiến hành Tổng khởi nghĩa 19/8 và cướp chính quyền tại Thủ đô. Lãnh đạo Giải phóng quân Hà Nội lúc đó là đồng chí Nguyễn  Quyết (Đại tướng Nguyễn Quyết). Trang phục của họ là áo sơ mi trắng cộc tay, quần soóc, đội mũ cát, cầm súng trường. Có nhiều chi đội của Hà Nội, và chi đội của Đại tá Đào Văn Xuân (sau này là Phó Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp) được giao nhiệm vụ canh gác ngay chân Lễ đài. Chếch về bên trái Kỳ đài là Giải phóng quân Việt Bắc, mới về Hà Nội cuối tháng Tám. Đây là những chiến sĩ dày dạn trong chiến đấu chống Nhật và chỉ huy là ông Vương Thừa Vũ. Một chi đội Giải phóng quân khác do ông Trần Văn Phác đóng ở Sở Tài chính cũ (Bộ Ngoại giao) đề phòng bọn Nhật phản công từ nội thành. Lực lượng đứng làm hàng rào danh dự là những trinh sát của Sở Liêm phóng Hà Nội. Họ là những thanh niên đã tham gia cách mạng trong đội diệt ác, trừ gian từ trước 8/1945, và là những tay súng đã có dịp thử lửa khi xử tội bọn Việt gian.

Ông Nguyễn Cao, một sinh viên Hà Nội, Đội trưởng đội danh dự xúc động kể lại: "Khoảng 8 giờ sáng ngày 2/9, anh Chu Đình Xương triệu tập các tổ trinh sát công an và nói với chúng tôi: "Hôm nay là ngày tuyên bố độc lập của đất nước, có tổ chức mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, và có Cụ Hồ đến dự lễ". Anh Xương phân công, giao nhiệm vụ cho anh em trinh sát chúng tôi trực tiếp, đứng trước Lễ đài khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, giữ gìn trật tự và đề phòng địch có thể tấn công. Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình là một bãi đất rộng có thể chứa tới hàng chục vạn người, phía bên phải là phủ Toàn quyền cũ. Lễ đài đã được một số kiến trúc sư dựng bằng gỗ từ hôm trước, cao gần 5m, xung quanh phủ nhung đỏ, trên viền trắng. Khoảng 12 giờ trưa 2/9, các anh em trinh sát công an chúng tôi triển khai đứng vào các vị trí bảo vệ xung yếu. Lúc đó, tôi đầu trần, mặc sơ mi ngắn tay và quần dài trắng, tay cầm súng ngắn. Một số trinh sát khác mặc quần soóc trắng, đội mũ cát. Thật ra lúc bấy giờ mới Tổng khởi nghĩa được ít ngày, chúng tôi chưa được trang bị đồng phục, các trinh sát đều tự túc quần áo, có gì mặc nấy, thậm chí tự trang bị cả vũ khí, bản thân tôi khi tham gia khởi nghĩa cũng tự mua khẩu súng ngắn trang bị cho mình. Chiều 2/9 hôm ấy, trời trong xanh, ít mây, nắng mùa thu không gắt lắm. Khoảng 14 giờ, Bác Hồ cùng với các thành viên Chính phủ đi xe từ Bắc Bộ phủ đến vườn hoa Ba Đình. Lễ Quốc khánh đầu tiên, thời khắc tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã khắc sâu trong ký ức của thế hệ chúng tôi. Cho đến tận hôm nay, mỗi khi nhớ lại, đều cảm thấy thiêng liêng và xúc động.