Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia: Phấp phỏng nhiều nỗi lo

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo Bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu du lịch quốc gia (KDLQG) diễn ra cuối tuần qua ở Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), các nhà khoa học khẳng định, bảo vệ môi trường là sự sống còn của các KDLQG.

Nhiều khu du lịch có nguy cơ “xóa sổ”
Quy hoạch Phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, Việt Nam có 47 KDLQG. Đây là những điểm đến hấp dẫn với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, thu hút phần lớn lượng du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam và kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm, các chất thải không được xử lý triệt để dẫn tới nguy cơ ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm, nhất là hạ lưu các sông, suối, ao hồ, bãi biển, đảo…

Bến đò phục vụ tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Công Hùng

Lâu nay, công tác BVMT du lịch vẫn là điểm yếu của Việt Nam. Theo TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: “Đánh giá về Năng lực cạnh tranh về ngành Du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 cho biết, Việt Nam xếp thứ 67/136 quốc gia, tăng 8 bậc so với năm 2015 (75/141). Trong đó, nhiều chỉ số của Việt Nam rất cao như về văn hóa, tài nguyên… Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ số khác rất thấp, đặc biệt về môi trường. Việt Nam cần cải thiện mức độ bền vững về môi trường (đang ở hạng 129), tập trung giải quyết những yếu tố dẫn đến tàn phá môi trường tự nhiên, đó là các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115), mức độ chất thải (hạng 128), nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107). 
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích: Kinh doanh du lịch ở Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao với mức tăng giai đoạn 2000 - 2016 về doanh thu trung bình đạt 222.000 tỷ đồng, 22%/năm. Do quản lý chưa tốt nên đằng sau con số tăng trưởng rất ấn tượng này là những hệ lụy tiêu cực đối với tài nguyên, môi trường du lịch, đặc biệt là về chất thải. Việt Nam hiện chưa có cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về môi trường du lịch; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững; công tác quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch mới chỉ thực hiện ở mức độ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chung. Đồng tình với quan điểm này, TS Trương Sỹ Vinh chia sẻ thêm: Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động du lịch với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh du lịch.
Cần bộ tiêu chí bảo vệ môi trường du lịch
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế đó, ngày 4/9/2013 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Năm 2016, Bộ VHTT&DL đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về BVMT đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”.
Sau hơn một năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đề xuất Bộ tiêu chí về BVMT đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ (bao gồm cơ sở ăn uống; cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: Các tiêu chí cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong vấn đề BVMT tại các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch; và những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ của cơ sở.
Sau khi dự thảo được thông qua, Bộ tiêu chí đã được phổ biến và xin ý kiến trực tiếp tại Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Tuần Châu, Điểm du lịch làng nghề Bát Tràng. Theo TS Trương Sỹ Vinh: “Đa phần các cơ sở dịch vụ du lịch, các cơ quan quản lý về du lịch và môi trường ở địa phương đánh giá Bộ tiêu chí là phù hợp và rất cần thiết để các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường và du lịch; các cơ sở có căn cứ để thực hiện các hoạt động BVMT”. Tuy nhiên, các khu du lịch chưa thực hiện tốt Bộ tiêu chí. TS Trương Sỹ Vinh dẫn chứng: “Đối với cả 3 loại hình cơ sở dịch vụ, tiêu chí về công trình vệ sinh quy định phải có nhà vệ sinh cho người khuyết tật, nhưng hầu như các cơ sở quy mô nhỏ và vừa chưa xây dựng, chỉ có Khu vui chơi giải trí Tuần Châu thực hiện tốt. Hay tiêu chí về Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ được thực hiện ở một số cơ sở du lịch và dịch vụ cao cấp, còn lại do chiều lòng khách du lịch nên chưa có biện pháp nhắc nhở hoặc quy định khu vực không được hút thuốc lá… “Cần có các hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ kịp thời khó khăn để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện Bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, cần phổ biến, tổ chức tập huấn giới thiệu Bộ tiêu chí một cách rộng rãi để các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên cả nước được tiếp cận và nắm được nội dung của Bộ tiêu chí…” - TS Trương Sỹ Vinh khẳng định. Được biết, Bộ tiêu chí về BVMT đang trong quá trình hoàn thiện và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan trước khi ban hành.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều khu du lịch ven biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí sắp bị “xoá sổ” như khu du lịch Ana Madara (Thuận An, Thừa Thiên - Huế), khu du lịch Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), khu du lịch Khai Long (Cà Mau)… Đây được xem như những cảnh báo nghiêm túc đối với tác động của môi trường đối với phát triển du lịch ở Việt Nam.
PGS.TS Phạm Trung Lương
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam